Kịp thời hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy
Từ đầu năm đến nay, gần 200 hộ chăn nuôi gia súc ở 7 địa phương (Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai và thành phố Kon Tum) có tổng số 5.024 con lợn bị mắc dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi… buộc phải tiêu hủy. Trong đó, huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum được thống kê có số lượng lợn mắc bệnh bị tiêu hủy nhiều nhất (3.355 con).
Trước thiệt hại nặng nề trong chăn nuôi của người dân, các địa phương đã và đang quan tâm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ kịp thời gần 9 tỷ đồng đến các hộ bị thiệt hại, nhằm đầu tư tái tạo chăn nuôi, hoặc phát triển sản xuất khác, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân.
Đăk Hà hỗ trợ kịp thời 4,5 tỷ đồng
Hộ ông Vương Tấn Trọng ở thôn 1A, xã Đăk La (huyện Đăk Hà) có đàn lợn 15 con bệnh lở mồm long móng cách đây 5 tháng. Ông chia sẻ: Tháng 3/2019, khi đàn lợn của gia đình bị dịch bệnh, tôi đã kịp thời báo cáo cán bộ thú y, thôn trưởng để báo các cấp can thiệp, đưa vật nuôi mắc bệnh đi tiêu hủy đúng quy định. Tiếp đó, UBND xã cử cán bộ xuống hướng dẫn, giúp đỡ gia đình hoàn tất các thủ tục đề xuất được hỗ trợ một phần kinh phí 13 triệu đồng. Việc làm này giảm sự rủi ro để giúp bà con tái đàn gia súc, sớm ổn định phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Trọng, sau khi được các cấp và cán bộ chuyên môn ngành Thú y hỗ trợ, hướng dẫn xử lý, vệ sinh chuồng trại kỹ càng đúng kỹ thuật và quy định về thời gian, đến nay, ông đã mua lại đàn lợn giống tái chăn nuôi, tạo việc làm mới cho các thành viên trong gia đình.
Ông Hoàng Nghĩa Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Cuối năm ngoái tới nay, địa phương tập trung nhiều nguồn lực phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc địa phương. Tuy nhiên, huyện vẫn có 51 hộ chăn nuôi lợn ở 16 thôn thuộc 5 xã có khoảng 2.100 con bị các loại dịch bệnh, buộc tiêu hủy gần 100 tấn thịt lợn. Đây là một thiệt hại rất lớn đối với các hộ dân sinh sống bằng nghề chăn nuôi, ngoài ra còn ảnh hưởng đến công tác phát triển đàn gia súc tại địa phương.
Ông Trí còn thông tin thêm, trước tình hình xảy ra các dịch bệnh trên đàn lợn của các hộ chăn nuôi, UBND huyện Đăk Hà thường xuyên chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp phòng ngừa, tiến hành xử lý chuồng trại; đồng thời, tiến hành rà soát công tác lập biên bản, hoàn tất thủ tục thống kê về thiệt hại trong chăn nuôi của nhân dân để đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ kịp thời. Đến nay, công tác này đã hoàn thành, các hộ dân có đàn lợn dịch bệnh bị tiêu hủy được hỗ trợ (từ ngân sách các địa phương) tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng; trong đó, hộ được chi trả thấp nhất vài triệu đồng, hộ nhiều đến hàng trăm triệu đồng. Qua đây, người dân đã mua lại con giống mới, tái đàn gia súc trong chăn nuôi, sau thời gian xử lý chuồng trại cách ly đúng quy định.
Thành phố Kon Tum quan tâm giúp dân tái đầu tư chăn nuôi
Gần 8 tháng qua, thành phố Kon Tum có khoảng 1.255 con bị lở mồm long móng và dịch tả lợn Châu Phi, dịch tai xanh… với tổng trọng lượng tiêu hủy 87 tấn. Trong đó, 6 tháng đầu năm nay, địa phương đã kịp thời chi trả gần 2,7 tỷ đồng cho 1.200 hộ có lợn bị dịch bệnh buộc phải tiêu hủy.
Ông Phan Thanh Nam - Trưởng Phòng Kinh tế thành phố thông tin: Hiện tại, Phòng đang tập trung cùng các ngành chức năng tăng cường các biện pháp khống chế, không để dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng; chỉ đạo cán bộ đơn vị phối hợp các địa phương, kiểm tra và tổng hợp còn lại 55 hộ dân có đàn gia súc mắc bệnh đã tiêu hủy trong tháng 7 và tháng 8, để báo cáo UBND thành phố xuất kinh phí hỗ trợ tái đầu tư chăn nuôi.
|
Được giới thiệu của ngành chức năng thành phố, chúng tôi đến thăm hộ Nguyễn Thị Hồng ở thôn Phương Quý I (xã Vinh Quang) có đàn lợn 58 con mắc bệnh lở mồm long móng buộc phải tiêu hủy vào tháng 1/2019.
Bà Hồng tâm sự: Khi đàn lợn 58 con của gia đình buộc phải mang đi tiêu hủy do bị bệnh, mọi người trong nhà đều lo 170 triệu đồng đầu tư ban đầu coi như mất trắng. Tôi đã khóc rất nhiều, cán bộ xã về chứng kiến và đưa đàn lợn đi tiêu hủy đã động viên, hướng dẫn gia đình phối hợp với Phòng Kinh tế sớm hoàn tất các thủ tục kê khai thiệt hại trong chăn nuôi của gia đình. Đến cuối tháng 2, các ngành chức năng đã xuất kinh phí hỗ trợ thiệt hại, UBND xã Vinh Quang đã mời tôi lên nhận gần 150 triệu đồng. Đến nay, gia đình đã sử dụng nguồn kinh phí này tái đàn trở lại gần 30 con.
Theo ông Phan Thanh Nam, hiện tại, dịch bệnh trên đàn gia súc đang diễn biến phức tạp, do đó đề xuất tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động hơn trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc của gia đình. Mặt khác, khi người dân phát hiện đàn gia súc bị dịch bệnh phải khẩn trương báo cáo kịp thời cho cán bộ thú y, chính quyền, cơ quan chuyên môn để có hướng kiểm tra, xác định dịch bệnh sớm, nhằm tránh lây lan và ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi ở địa phương. Ngoài ra, việc báo cáo sớm với các cấp chính quyền, là cơ sở xác định hỗ trợ cho người chăn nuôi đảm bảo kịp thời, giảm thiệt hại đã đầu tư trước đó.
Mai Trâm