Khởi sắc Sa Sơn
Năm 2015 xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) được công nhận là xã nông thôn mới. Từ sau khi đạt nông thôn mới đến nay, xã Sa Sơn tiếp tục củng cố, nâng cao các tiêu chí đã đạt được, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Dù đã hoàn thành 19 tiêu chí để “về đích” nông thôn mới, nhưng để Sa Sơn khởi sắc hơn, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã xác định cần phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay, góp sức nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí về thu nhập, tiêu chí về đường giao thông nông thôn.
Ông Bùi Quốc Tưởng - Chủ tịch UBND xã Sa Sơn cho biết, tập trung cho tiêu chí thu nhập, những năm qua, xã Sa Sơn đã lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; định hướng cho người dân phát huy các tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Bên cạnh vận động người dân ổn định diện tích cây cao su, đồng thời tăng cường việc chăm sóc đều đặn để đảm bảo nguồn thu nhập chính, địa phương còn vận động người dân phát triển diện tích cây cà phê và một số mô hình kinh tế khác để tăng thu nhập như mô hình trồng chanh dây, mô hình trồng hoa tết, chăn nuôi bò, dê, gia cầm…
|
Theo thống kê của xã Sa Sơn, tính đến nay, tổng diện tích cây trồng trên địa bàn xã gần 2.000ha, trong đó cây thời vụ hàng năm (lúa, bắp, đậu...) 292ha; cây công nghiệp 1.578ha (trong đó cà phê chiếm 50ha, cao su chiếm 1.528ha). Trong 3 năm qua (từ năm 2015 đến năm 2018), diện tích cây cao su và cà phê mỗi loại tăng thêm 40ha. Riêng về chăn nuôi, cả xã đã phát triển được 3.000 con gia súc, gia cầm, trong đó tăng số lượng đàn bò lên 400 con và đàn dê hơn 100 con.
Từ việc phát triển thêm diện tích cây trồng, vật nuôi, thu nhập của các hộ dân trên địa bàn xã Sa Sơn đã được nâng lên, từ 24 triệu đồng/năm (năm 2015) lên 33,6 triệu đồng/năm (năm 2018). Cùng với tăng mức thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng giảm từ 6,7% (năm 2015) xuống còn 3,34% (năm 2018).
Bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, trong những năm qua, Sa Sơn còn tích cực vận động người dân cùng chung tay để xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn tại các thôn làng, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con ngày càng thuận tiện hơn.
Hiện tại, xã Sa Sơn đang quản lý và sử dụng 65km đường giao thông. Từ năm 2015 đến nay, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, người dân xã Sa Sơn đã tích cực đóng góp bê tông hóa được hơn 3 km đường nội thôn 2.
Ông Nguyễn Văn Bàng - Thôn trưởng thôn 2 cho biết, trong 2 năm 2015 - 2016, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con nhân dân trong thôn cũng đã tích cực đóng góp tiền và công sức để xây dựng được 3.325m đường bê tông nông thôn. Bà con nhân dân trên địa bàn luôn nêu cao nhận thức các công trình hạ tầng được đầu tư đều nhằm phục vụ nhu cầu cho bà con, vì vậy, thôn cũng không khó để tuyên truyền, vận động các hộ dân cùng tham gia đóng góp tiền, ngày công. Trong thời gian tới, thôn tiếp tục vận động bà con nhân dân đóng góp thêm để thực hiện bê tông 700m đường nội thôn còn lại, để thuận tiện cho việc đi lại của bà con.
Ông Trần Trung Tin - hộ dân thôn 2 phấn khởi: “Là người gắn bó lâu năm với mảnh đất Sa Sơn, qua từng thời kỳ, đặc biệt là trong những năm gần đây, tôi nhận thấy rõ diện mạo vùng nông thôn nơi đây có nhiều đổi thay khởi sắc, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, đời sống của bà con cũng được nâng lên rõ rệt. Đây chính là những kết quả có được từ phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Sa Sơn nói chung và thôn 2 nói riêng”.
Theo ông Bùi Quốc Tưởng - Chủ tịch UBND xã Sa Sơn, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân về ý nghĩa, vai trò tích cực của việc duy trì và xây dựng nông thôn mới; từng bước hoàn thiện và phấn đấu nâng cao các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia để ngày một tiến gần hơn với mô hình nông thôn mới nâng cao.
Tất Thành