Khởi nghiệp từ làm rượu chuối
Sau những biến cố của gia đình, chị Nguyễn Thị Thiên Nga (sinh năm 1985) ở thôn Phương Quý 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum đã quyết tâm khởi nghiệp bằng làm rượu chuối truyền thống của gia đình. Tuy bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng người phụ nữ trẻ tuổi này vẫn nuôi quyết tâm sẽ mang hương rượu chuối lên men tự nhiên truyền thống của gia đình mình bay xa hơn.
Chúng tôi bắt gặp sản phẩm rượu chuối mang nhãn hiệu Bivuko được đóng chai khá bắt mắt tại một gian trưng bày sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Kon Tum bên lề hoạt động đối thoại và truyền thông chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số với sự tham dự của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cấp hội phụ nữ trong tỉnh được tổ chức tại huyện Kon Plông vào cuối tháng 8/2018.
Sự có mặt của sản phẩm rượu trái cây này khiến phần lớn các đại biểu tham dự sự kiện tò mò. Bởi lâu nay, chuối là loại trái cây rất đỗi quen thuộc nhưng ít ai nghĩ tới việc có thể sử dụng nguyên liệu này để chế biến thành một loại rượu thơm ngon, bổ dưỡng.
Mang sản phẩm giới thiệu đến mọi người trong bữa cơm chiều, chủ nhân làm nên thương hiệu sản phẩm - chị Nguyễn Thị Thiên Nga đã khiến nhiều thực khách ngỡ ngàng hơn, bởi hương vị độc đáo, thơm nồng của loại rượu trái cây được ủ kín và lên men tự nhiên bằng quy trình thủ công khá độc đáo - theo như lời chị Thiên Nga tiết lộ.
|
Lần thưởng thức món rượu chuối lên men tự nhiên với dư vị mát lành, ngọt thanh dịu nhẹ pha chút chua chua sảng khoái đọng lại ở cuống họng khiến chúng tôi nhớ mãi. Và cũng chính cái hương vị ấy đã thôi thúc chúng tôi phải “mục sở thị” cơ sở sản xuất rượu chuối của gia đình chị Nga để tìm hiểu kỹ hơn về quy trình sản xuất sản phẩm và giấc mơ khởi nghiệp của người phụ nữ trẻ tuổi này.
Cơ sở sản xuất rượu chuối của gia đình chị Nga được làm tại hộ gia đình và lực lượng nhân công đứng ra chịu trách nhiệm các khâu đều là các thành viên trong gia đình chị.
Chị Nga cho biết, cách đây vài chục năm về trước, gia đình chị có nghề truyền thống làm chuối ép sấy khô để bán. Công nghệ ép, sấy không có máy móc hỗ trợ như bây giờ mà tất cả đều bằng thủ công. Vì vậy, gặp thời tiết thuận lợi thì gia đình chị cho ra lò những mẻ chuối ép sấy thơm ngon, vàng ươm; còn gặp mưa kéo dài thì coi như thất bại. Những lúc tiết trời không thuận lợi, nguồn nguyên liệu chuối dôi dư rất nhiều, gia đình chị Nga mới nghĩ cách ủ chuối lên men để chiết xuất rượu (giống như cách làm rượu nho, dâu, táo,… ).
Rượu chuối làm ra rất thơm ngon lại tốt cho sức khỏe nên gia đình chị Nga để dùng trong gia đình và các dịp lễ, tết thường mang ra mời họ hàng, bạn bè cùng thưởng thức. Lâu dần, nhiều người thấy ngon nên đã đặt hàng. Cũng từ đó, làm rượu chuối đã trở thành nghề truyền thống của gia đình chị Nga với quy mô nhỏ, lẻ.
Bản thân chị Nga, từ nhỏ đã được bố mẹ truyền nghề. Thế nhưng, sau khi đậu Đại học Tài chính-Marketing vào thành phố Hồ Chí Minh học tập, rồi lấy chồng và ở lại lập nghiệp tại mảnh đất miền Nam này, chị đã không còn gắn bó với nghề nhưng vẫn luôn nhớ về hương vị rượu chuối thơm ngon của gia đình.
Đến đầu năm 2018, sau biến cố của gia đình, chị Nga đã trở về Kon Tum tạo lập cuộc sống mới. Bắt đầu trở lại bằng hai bàn tay trắng, chị Nga chọn làm rượu chuối của gia đình mình để khởi nghiệp.
Chị Nga cho biết, làm rượu chuối lên men tự nhiên bình thường không khó nhưng muốn làm rượu chuối ngon thì phải có bí quyết riêng. Với gia đình chị, để có được một công thức lên men rượu chuối tự nhiên phải mất khá nhiều thời gian thử nghiệm.
Rượu chuối lên men tự nhiên do gia đình chị Nga làm ra gồm có 3 thành phần chính: chuối (chuối mốc), chanh và đường. Theo chị Nga, để có một mẻ rượu thơm ngon thì chuối chọn ủ rượu phải là những quả chuối chín đều, không bị dập; chanh phải tươi đem vắt lấy nước cốt và đặc biệt là việc ủ chuối lên men tự nhiên phải theo một tỷ lệ chuối-đường-chanh nhất định nhưng phải đảm bảo 1 lớp chanh, 1 lớp chuối và 1 lớp đường. Thời gian lên men chuối kéo dài tối đa là 3 tháng mới có thể chiết xuất ra rượu. Và theo kinh nghiệm của người nhà chị Nga, rượu chuối càng để lâu càng thơm ngon và tạo màu sắc rất đẹp.
Để giới thiệu sản phẩm cho nhiều người biết đến và an tâm sử dụng, chị Nga đã mạnh dạn đến cơ quan chức năng có thẩm quyền nhờ hướng dẫn làm thủ tục đăng ký cơ sở sản xuất kinh doanh và chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Nga cũng chịu khó đầu tư thiết kế lại mẫu mã, logo, nhãn mác hàng hóa bắt mắt và hiện đại hơn.
Với số vốn khởi nghiệp ít ỏi, chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng, chị Nga đã chọn giải pháp “lấy ngắn nuôi dài” bằng nghề đi dạy kèm tiếng Anh cho các em học sinh, sinh viên. Số tiền dạy kèm hàng tháng kiếm được, chị Nga đều dồn vào việc đầu tư làm rượu chuối truyền thống của gia đình.
Tính từ thời điểm tháng 3/2018, sau khi đã đăng ký cơ sở sản xuất kinh doanh, chị Nga cùng gia đình mình đã cho ra lò được mẻ rượu chuối hơn 100 lít giới thiệu ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Dù mới khởi nghiệp nhưng hiện tại, chị Nga đã ký gửi được sản phẩm tại một số cửa hàng ở Măng Đen (huyện Kon Plông), Thành phố Hồ Chí Minh, Long An… và bước đầu mang lại tín hiệu vui.
Chuẩn bị cho mùa Noel và dịp tết dương lịch, âm lịch năm nay, hiện tại, chị Nga cũng đã tiến hành ủ khoảng 600 lít rượu chuối để cung cấp ra thị trường.
Chị Nga mong muốn, trong thời gian tới sẽ tiếp tục được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh quan tâm giúp đỡ để sản phẩm rượu chuối lên men tự nhiên của gia đình chị có nhiều cơ hội được giới thiệu, quảng bá ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn, qua đó giúp chị tự tin hơn về hướng đi mà mình đã lựa chọn.
Sông Côn - Đức Thành