Khó khăn xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới ở Tu Mơ Rông
Ưu tiên đầu tư hạ tầng vùng nông thôn và huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị… là những biện pháp mà huyện Tu Mơ Rông đang triển khai trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần từng bước đổi thay bộ mặt nông thôn, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra…
Tu Mơ Rông là địa phương có điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội vô cùng khó khăn; cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu; thêm vào đó, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều trở ngại. Vì vậy, lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông xác định rõ, việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương cần phải có những bước đi thích hợp với những giải pháp căn cơ, không nóng vội, duy ý chí thì mới đạt được kết quả bền vững, tránh hình thức.
Khó khăn lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Tu Mơ Rông là việc triển khai xây dựng hạ tầng nông thôn, bởi nguồn lực huy động nhân dân hầu như rất ít mà chủ yếu dựa phải vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Để “giải bài toán” này, huyện Tu Mơ Rông xác định phải tận dụng các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh một cách hiệu quả để đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, bên cạnh trong đó, tập trung chủ yếu là đầu tư xây dựng hạ tầng điện - đường - trường - trạm...
|
Nhờ chính quyền địa phương chỉ đạo tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật xã hội, đến nay hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện tuy chưa đảm bảo theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng bước đầu đã có khởi sắc. Hiện có 11/11 xã của huyện có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được cả hai mùa trong năm và trên 70/91 thôn có đường xe ô tô đi đến được trong 2 mùa…
Tuy vậy, theo ông Phạm Xuân Quang - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tu Mơ Rông: Mặc dù huyện Tu Mơ Rông đã ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng nông thôn, hạ tầng giao thông; nhưng theo đánh giá cho đến nay huyện cũng chưa có xã nào đạt chuẩn về tiêu chí giao thông cũng như các tiêu chí khác về hạ tầng.
Qua rà soát việc triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Tu Mơ Rông có 9/11 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 9/11 xã đạt chuẩn tiêu chí về điện, có 10/11 xã đạt chuẩn về tiêu chí trường học...; có 2 xã đạt 8 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là Đăk Sao, Văn Xuôi; 2 xã đạt 7 tiêu chí là Măng Ri, Tu Mơ Rông; 4 xã đạt 6 tiêu chí là Đăk Rơ Ông, Đăk Hà, Đăk Tờ Kan và Ngọc Lây và 3 xã đạt 5 tiêu chí là Đăk Na, Ngọc Yêu và Tê Xăng...
Ông Quang cho biết: Đối với các tiêu chí khác về hạ tầng ở huyện Tu Mơ Rông, khó nhất là tiêu chí về quy hoạch, hiện mới 3 xã đạt chuẩn; tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại có 2 xã đạt chuẩn; tiêu chí về nhà ở chưa xã nào đạt chuẩn…
Huyện Tu Mơ Rông xác định, từ nay đến năm 2020 sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn, làm cơ sở vững chắc để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Tu Mơ Rông tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội (nguồn vốn của doanh nghiệp, tranh thủ nguồn vốn nhàn rỗi của nhân dân…) để đầu tư cơ sở hạ tầng; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn, huy động sự ủng hộ, góp công của người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn…
Phúc Nguyên