Kết quả và những khó khăn cần tháo gỡ trong thực hiện OCOP ở thành phố Kon Tum
Cuối năm 2018, thành phố Kon Tum tiến hành xây dựng Ðề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, thành phố triển khai cho các địa phương, vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ (gọi chung là các chủ thể) đăng ký và xây dựng các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế.
Ban đầu, thành phố lựa chọn những sản phẩm thế mạnh và có nền tảng từ trước thuộc 4 nhóm sản phẩm là thực phẩm, đồ uống, du lịch nông thôn, đồ lưu niệm- nội thất- trang trí để xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Cụ thể, trong nhóm thực phẩm nổi bật có sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap của Tổ hợp tác Thắng Lợi với chất lượng sản phẩm đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm và đã xây dựng được chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Sản phẩm trái cây VietGap của Hợp tác xã Thần Nông (Ia Chim) với quy mô sản xuất 7,5ha, hiện đã được tổ chức sản xuất và tiêu thụ khá ổn định. Năm 2019, thành phố Kon Tum cũng bắt tay xây dựng sản phẩm đặc trưng gạo Đoàn Kết với diện tích sản xuất 12ha gắn với xây dựng nhãn hiệu, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Trong nhóm sản phầm đồ uống, trên địa bàn thành phố Kon Tum có một số sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, tạo dựng được uy tín trên thị trường như cà phê Thanh Hương, cà phê Da Vàng, rượu sâm Ngọc Linh, nước giải khát sâm dây của Công ty TNHH Thái Hòa. Các sản phẩm này hiện đang được sản xuất và tiêu thụ ổn định.
Đối với nhóm sản phẩm du lịch nông thôn, thời gian qua, thành phố Kon Tum đầu tư và đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại làng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa).
Sản phẩm dệt thổ cẩm của nghệ nhân Y Thoai (phường Thắng Lợi) thuộc nhóm đồ lưu niệm- nội thất- trang trí cũng được đánh giá là có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, có sức tiêu thụ tốt.
|
Hầu hết các sản phẩm này đều đã có quá trình đầu tư dài, nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu và được thị trường công nhận nên thời gian đầu việc triển khai chương trình có những thuận lợi nhất định.
Tuy nhiên, từ năm nay, việc thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn. Đa số hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm của các chủ thể chủ yếu mới ở dạng sơ chế, chế biến đơn giản, thị trường tiêu thụ sản phẩm rất hạn chế, một số nguồn nguyên liệu chưa ổn định. Một số chủ thể do chưa hiểu hết được ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP nên không mặn mà tham gia.
Năm 2020, thành phố Kon Tum chỉ có 4 chủ thể đăng ký và được lựa chọn để tham gia chương trình OCOP với 4 sản phẩm. Đó là sản phẩm yến sào Kon Tum của hộ ông Đặng Xuân Hùng (tại phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm); sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã phường Nguyễn Trãi với quy mô 7.000m2 được đầu tư và định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao; sản phẩm trà sâm dây Ngọc Linh ướp mật ong của Công ty cổ phần Ứng dụng công nghệ cao Hoàng Linh (phường Trường Chinh); sản phẩm du lịch cộng đồng làng Kon K’tu do hộ A Kâm đăng ký xây dựng theo tiêu chuẩn của chương trình.
Đây là các chủ thể có tâm huyết và quyết tâm xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của chương trình OCOP. Tuy nhiên, khả năng tổ chức sản xuất và tiêu thụ, năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm, kỹ năng về thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm... của các chủ thể còn rất hạn chế. Chính vì thế, dù các sản phẩm này đều được đánh giá cao về chất lượng nhưng lại chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu cần thiết khi đưa ra thị trường, nên ít được người tiêu dùng biết đến và không thể chen chân vào các kênh phân phối, tiêu dùng hiện đại. Trong khi kinh phí của thành phố để hỗ trợ cho các chủ thể lại eo hẹp nên muốn đẩy nhanh tiến trình cũng rất khó.
Chẳng hạn như sản phẩm yến sào Kon Tum của hộ ông Đặng Xuân Hùng (tại phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm), hiện tại, gia đình ông Hùng đã sản xuất được một lượng sản phẩm tương đối, chất lượng tốt, được người sử dụng đánh giá cao. Theo chia sẻ của ông Đặng Xuân Hùng thì mong muốn của ông là xây dựng thương hiệu yến sào của riêng Kon Tum, nhưng để đạt được mục tiêu này còn rất nhiều việc phải làm. Hiện tại, ông Hùng chưa xây dựng được Website của sản phẩm, chưa được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch... Vì vậy, ông Hùng chưa dám đưa sản phẩm ra thị trường mà chủ yếu mới chỉ bán cho anh em, bạn bè, những người thân quen...
OCOP là một chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, nhưng để xây dựng thành công sản phẩm OCOP không phải là chuyện làm một sớm, một chiều, đòi hỏi nỗ lực của các cấp, các ngành và các chủ thể tham gia. Xác định rõ vấn đề, nên thành phố Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, khơi dậy sự sáng tạo và ý chí của người dân trong việc hình thành những sản phẩm mang thương hiệu riêng của địa phương.
Thùy Hương