Kết quả đổi mới hoạt động của công ty lâm nghiệp
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị đã phân rõ loại hình doanh nghiệp là đơn vị sản xuất kinh doanh với đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; giải quyết tình trạng đất cấp trùng, chồng lấn, lấn chiếm của các hộ gia đình, cá nhân trên lâm phần quản lý; góp phần giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho người dân, nhất là đồng bào DTTS.
Sau 10 năm, đã có 7 công ty TNHH MTV lâm nghiệp (công ty lâm nghiệp) của tỉnh được sắp xếp duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp trực thuộc tỉnh. Theo đó, tổng diện tích đất được giao sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới là 254.335ha; diện tích đã thu hồi, bàn giao về địa phương quản lý và để thực hiện các dự án đầu tư là 26.822ha; diện tích đất dự kiến tiếp tục thu hồi, bàn giao về địa phương là 12.594ha. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao 28.838 ha diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý về các chủ rừng là các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp để quản lý, bảo vệ theo quy định.
|
Các công ty lâm nghiệp đã đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc cải tạo rừng, khai thác tận thu lâm sản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để khai thác rừng trái phép; thực hiện giao rừng tự nhiên gắn với giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo đúng quy định của pháp luật. Diện tích rừng được rà soát, sắp xếp lại đã được công ty lâm nghiệp xây dựng lại phương án sử dụng đất, cấp quyền sử dụng và tổ chức cắm mốc phân định ranh giới để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất đai.
Thời gian qua, các công ty lâm nghiệp đã thường xuyên cập nhật, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ về cơ giới hóa, giống mới, phân bón, nhất là công nghệ sinh học; tiến hành đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng trong lâm nghiệp như ảnh viễn thám, định vị cầm tay GPS, thiết bị bay... nhằm xác định biến động rừng. Đa số các công ty lâm nghiệp bảo toàn được vốn nhà nước; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, BHXH, BHYT đối với cán bộ, công nhân và người lao động. Qua đó đã cho thấy mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp được lựa chọn là phù hợp, phát huy được thế mạnh của từng đơn vị.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, toàn bộ tài sản của các công ty lâm nghiệp là rừng trồng sản xuất đã được đánh giá và đưa vào vốn điều lệ của công ty nhưng nguồn gốc hình thành tài sản là vốn ngân sách nên không được thế chấp vay vốn dẫn đến thiếu vốn kinh doanh, gây khó khăn cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; cơ cấu vốn chưa hợp lý, chủ yếu lại tập trung vào tài sản cố định như: nhà cửa, trang thiết bị máy móc và rừng trồng; việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích chưa có cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch hằng năm của Nhà nước.
|
Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp, bảo đảm giữ vững vốn rừng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, phát triển nông lâm nghiệp, cần tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các công ty này chủ động trong mọi hoạt động kinh doanh và thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; giao khoán rừng, đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo nguyên tắc cùng chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và cùng hưởng lợi từ rừng. Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để nâng cao năng suất, chất lượng và sản phẩm chế biến gỗ, lâm sản.
Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, phẩm chất đạo đức của người quản lý các công ty lâm nghiệp; giám sát chặt chẽ việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền các cấp, các ngành có liên quan. Thực hiện tái cơ cấu các công ty lâm nghiệp, tái cơ cấu vốn gắn với tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, người trồng rừng và người quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Tài Lương