Huyện Sa Thầy: Huy động các nguồn lực và phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới
Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, trong những năm gần đây, Huyện ủy, UBND huyện Sa Thầy tập trung chỉ đạo các ngành, các tổ chức đoàn thể, các xã huy động các nguồn lực và phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.
Để tìm hiểu việc xây dựng nông thôn mới, chúng tôi về xã Ya Xiêr. Ông A Bền - Chủ tịch UBND xã cho biết, không nằm trong diện xã điểm, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện trong việc huy động các nguồn lực và sức dân xây dựng nông thôn mới, bộ mặt cơ sở hạ tầng và đời sống người dân có nhiều thay đổi.
Lấy xe máy chạy dọc đường liên xã và dạo quanh một vòng làng Rắc, chúng tôi thấy nhiều tuyến đường bê tông song song nhau được mở ra như ở đô thị. Nhà cửa người dân được xây dựng ngăn nắp hai bên đường theo quy hoạch.
Khoác tay chỉ tuyến đường bê tông thẳng tắp chạy trước nhà, A Mão -Thôn trưởng khẳng định, ngày trước khi chưa làm đường, trước nhà mình chỉ là lối mòn nhỏ, đi lại khó khăn. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, dân làng tự nguyện hiến đất và cùng nhau bỏ công sức xây dựng tuyến đường này. Tham gia làm đường, ngoài việc góp công lao động, gia đình tôi hiến 120m2 đất; gia đình bà Y Xửi hiến 300m2 đất… để làm đường mà không một đòi hỏi.
“Từ ngày có đường bê tông, việc vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp và hàng hóa thuận lợi. Kinh tế gia đình tôi cũng như dân làng phát triển nhiều hơn so với trước” - A Mão bộc bạch.
|
Bàn về phát triển kinh tế gia đình, A Mão cho hay, trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước trong việc hỗ trợ cây giống, cho vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con trong làng thi đua phát triển mạnh cao su. Gia đình ông cũng tham gia phát triển mạnh cây cao su. Mặc dù bản thân tốt nghiệp trường đại học kinh tế, không xin được việc làm, A Mão không lấy đó làm buồn lòng mà dồn tâm sức phát triển kinh tế.
Nhờ có kiến thức và chí hướng làm kinh tế, đến nay, A Mão vay vốn trồng được 8,7ha cao su, trong đó có 4ha cao su đi vào khai thác năm thứ ba. Trong những tháng cạo mủ, bình quân mỗi ngày A Mão thu nhập 1,7-1,8 triệu đồng. Từ ngày có cao su đi vào khai thác, gia đình A Mão trở nên khá giả.
Tuy nhiên, ở làng Rắc, A Mão chưa phải là người có diện tích cao su cao nhất làng. Người trồng cao su nhiều là A Nhứt có 10,8ha cao su, trong đó có 4ha cao su đi vào khai thác. Ở làng Rắc, số hộ trồng 1ha cao su trở lên rất nhiều. Số hộ có cao su đi vào khai thác hiện nay phần lớn đều có cuộc sống ổn định và khá giả.
“Xã Ya Xiêr phát triển được 649ha cao su. Tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước khoảng hai hộ thì có một hộ trồng cao su. Bên cạnh phát triển cây cao su, hiện nay, người dân còn đang phát triển mạnh cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây cà phê, sầu riêng, tiêu…” - A H’mão - Phó Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr khẳng định.
Ở các xã Hơ Moong, Ya Ly, Sa Sơn, Sa Nhơn, Rờ Kơi, Sa Nghĩa, được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của tỉnh, huyện, người dân phát triển mạnh hai cây trồng chiến lược là cây cao su, cà phê; chăn nuôi bò...
Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm - Chủ tịch UBND huyện, thông qua việc huy động các nguồn lực và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, tình hình xây dựng nông thôn mới ở các xã tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Người dân thấy được vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới, tự nguyện góp công sức, hiến đất và cùng với nguồn vốn của nhà nước xây dựng có hiệu quả kết cấu hạ tầng nông thôn như đường bê tông, trường học, nhà rông văn hóa…ở các thôn, làng.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, việc phát triển sản xuất gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nông nghiệp…đang tạo ra sự chuyển dịch kinh tế nông thôn. Các cây trồng chiến lược có giá trị kinh tế cao như cao su và cà phê tiếp tục được coi trọng phát triển. Theo đó, đến nay, huyện phát triển 11.939ha cao su và 1.614ha cà phê.
Đồng thời, với việc phát triển các cây trồng chiến lược, huyện tiếp tục khảo nghiệm, phát triển thêm nhiều mô hình cây trồng mới như sa nhân, đinh lăng, nấm, rau an toàn theo hướng VietGAP… góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Chăn nuôi có nhiều bước phát triển. Quy mô đàn gia súc năm 2017 ở huyện có trên 24.400 con (đàn trâu 550 con, sản lượng thịt xuất chuồng 48 tấn; đàn bò 8.450 con, sản lượng thịt xuất chuồng 405 tấn; đàn heo trên 13.900 con, sản lượng thịt xuất chuồng 1.153 tấn; đàn dê 1.500 con, sản lượng thịt xuất chuồng 22,5 tấn).
Việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản lòng hồ được coi trọng theo hướng an toàn. Nhiều hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ya Xiêr, Ya Ly, Sa Bình, Sa Nghĩa, Hơ Moong được hỗ trợ lưới, ngư cụ đánh bắt thủy sản lòng hồ thủy điện Plei Krông, Ya Ly để nâng cao đời sống.
Với việc huy động các nguồn lực và phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở huyện Sa Thầy có nhiều thay đổi, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Văn Nhiên