Huyện Ngọc Hồi: Tạo điều kiện cho dân giảm nghèo
Đến các thôn, làng ở các xã Đăk Xú, Bờ Y, Sa Loong, Đăk Kan, Đăk Dục, Đăk Nông, thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) vào mùa mưa, phóng tầm mắt đến các dãy đồi, ở đâu chúng tôi cũng thấy màu xanh của cây cao su, cà phê... ngút ngàn. Bằng sự nỗ lực trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp huyện Ngọc Hồi trong phát triển kinh tế- xã hội, “cuộc chiến” giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt được những kết quả khả quan.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, trong những năm qua, Huyện uỷ, UBND huyện Ngọc Hồi tranh thủ các chương trình, dự án, chỉ đạo các phòng, ban trên địa bàn hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Vào thăm trang trại của ông A Klok (thôn Đăk Trang, xã Đăk Xú), chúng tôi thật sự “choáng ngợp” trước vườn cao su ngút ngàn, vườn cà phê trĩu quả rộng mênh mông trải từ dải đồi này, tới dải đồi khác.
Ông A Klok kể: Ngày trước, cũng như bao hộ dân khác trong vùng, cuộc sống của gia đình mình rất khó khăn, chật vật. Thực hiện chủ trương của huyện về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bằng cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, kết hợp trồng các loại cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm với đầu tư trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế, nhằm vừa ổn định kinh tế gia đình trước mắt, vừa từng bước phát triển kinh tế lâu dài, đồng thời mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng phát triển cây công nghiệp, gia đình từng bước xây dựng được những vườn cà phê, cao su như ngày nay.
|
Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật, tích luỹ vốn mở rộng sản xuất, đến nay, gia đình A Klok phát triển được 15 ha cà phê và cao su. Cây cao su, cà phê cho gia đình ông có cuộc sống sung túc. “Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mỗi gia đình phải tự nỗ lực vươn lên, chịu khó lao động và ứng dụng khoa học vào sản xuất thì mới mong thoát nghèo và có cuộc sống ấm no, chứ không thể trông chờ, ỷ lại được!”-A Klok bộc bạch.
Để giảm nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, mỗi gia đình có một cách làm riêng và quá trình thoát nghèo cũng không ai giống ai. Tuy nhiên, ở họ có điểm chung là sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi kỹ thuật sản xuất, dám nghĩ dám làm, không phung phí.
Ở làng Bắc Phong (xã Bờ Y), ông Quách Công Son (dân tộc Mường)- từng là hộ lao động nghèo từ ngoài Bắc vào đây lập nghiệp, bằng ý chí và nghị lực vươn lên, đến nay là chủ nhân 15ha cà phê và cao su. Hàng năm gia đình ông thu nhập hang tỷ đồng từ chính 2 loại cây trồng chiến lược này.
“Nếu chỉ quẩn quanh với cây lúa, củ khoai, người nông dân khó có thể xây dựng cuộc sống khá giả. Ở Bờ Y, muốn thoát nghèo, xây dựng cuộc sống no đủ chỉ có phát triển cây công nghiệp. Thực hiện chủ trương, chính sách phát triển cây công nghiệp ở địa phương, gia đình xây dựng cuộc sống ổn định như ngày nay. Không ai làm thay cho mình, muốn có cuộc sống ổn định, mỗi gia đình phải tự lực vươn lên thôi!”-ông Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Cường-Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết, cấp ủy đảng, chính quyền xã Bờ Y xác định cây trồng chiến lược phù hợp và có giá trị kinh tế cao ở địa phương là cao su, cà phê... Từ đó, địa phương tranh thủ các nguồn lực đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Nhờ đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng chiến lược này, nhiều hộ nghèo ở xã vươn lên có cuộc sống ổn định và khá giả.
Theo bà Mai Thoan- Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, căn cứ theo nhu cầu của người dân do các xã tổng hợp, những năm gần đây, hàng năm huyện mở hàng chục lớp đào tạo nghề cạo mủ cao su, chăm sóc cà phê... nhằm giúp người dân ứng dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững. Bằng những nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, đến nay, huyện Ngọc Hồi phát triển 7.839 ha cao su (trong đó có 3.893 ha cao su nhân dân), trên 1.300 ha cà phê... Các cây trồng chiến lược này góp phần quan trọng giúp người dân khu vực nông thôn giảm nghèo và từng bước làm giàu.
Đánh giá lại việc thực hiện kế hoạch giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, huyện Ngọc Hồi tạo điều kiện cho trên 1.700 hộ vay trên 70 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi (hộ nghèo, giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh... ) cho các hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, nhất là việc ưu tiên trồng và chăm sóc cao su, cà phê, nuôi bò... Tính đến cuối năm 2017, huyện chỉ còn 7,09% hộ nghèo và 4,14% hộ cận nghèo.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong việc tạo điều kiện cho người dân vươn lên phát triển kinh tế, huyện Ngọc Hồi đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; phát triển các hoạt động dịch vụ, ngành nghề nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; quan tâm đào tạo nghề phù hợp với điều kiện ở địa phương để giúp người dân có việc làm và sản xuất có hiệu quả; tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn...
Văn Nhiên