Huyện Ngọc Hồi: Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới
Trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Ngọc Hồi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm khơi dậy sức dân và huy động các nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ có hướng đi phù hợp, việc xây dựng nông thôn mới ở huyện có những chuyển biến tích cực, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần phát triển sống kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Đột phá vào kết cấu hạ tầng
Ông Trần Văn Chí - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Ngọc Hồi huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và khơi dậy sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về chủ trương xây dựng nông thôn mới là “vì người dân, của người dân” và người dân là đối tượng được thụ hưởng chính những thành quả mang lại đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
|
Quá trình triển khai thực hiện các địa phương thực hiện phương châm “dân làm, nhà nước hỗ trợ”, trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và được đưa ra bàn bạc, thống nhất từ chủ trương đóng góp đến việc chọn từng tuyến đường để đầu tư, tinh thần tự nguyện, dân chủ được phát huy cao độ nên được người dân đồng tình hưởng ứng. Việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội khác cũng như việc đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất các địa phương cơ sở cũng tiến hành bài bản, lấy ý kiến thống nhất trong cấp ủy đảng, chính quyền và phổ biến, lấy ý kiến nhân dân nên tạo sự đồng thuận cao và mang lại hiệu quả trong triển khai thực hiện. Ông Trần Văn Chí tiếp tục cho biết cách làm trong xây dựng nông mới ở huyện Ngọc Hồi.
Chúng tôi về với xã Đăk Xú để tìm hiểu thực tế về việc khơi dậy sức dân ở địa phương cơ sở. Tiếp tôi, ông Đào Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú khẳng định, tranh thủ nguồn lực từ Nhà nước, xã vận động người dân đóng góp công sức (kể cả tiền của) xây dựng các tuyến đường giao thông, nhà rông văn hóa, hội trường thôn, khu thể thao thôn, trường mầm non…
Ông Tuấn dẫn chúng tôi đến thăm tuyến đường bê tông ở thôn Đăk Tân - một tuyến đường khang trang được hoàn thành chính từ việc huy động sức dân. Một người dân nơi đây cho biết, tuyến đường này do gia đình bà Y Hếp (thôn Đăk Trang) hiến đất và người dân thôn Đăk Tân đóng góp công sức làm đường. Ngoài hiến đất làm đường, bà Y Hếp còn hiến trên 1.200m2 đất cho nhiều hộ gia đình ở đây mở rộng vườn sau nhà để hình thành khu dân cư xinh xắn. Ở thôn Đăk Giao, bà Y Ét hiến 300m2 đất xây dựng trường mầm non thôn Đăk Long.
Ở thôn Đăk Nông, người dân trong thôn đóng công sức, tiền của cải tạo lại các phòng học xuống cấp, không còn sử dụng thành nhà sinh hoạt cộng đồng.
Ông Triệu Văn Vang - thôn trưởng thôn Đăk Nông cho rằng, nếu trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước thì việc xây dựng nông thôn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vừa lúc, có phòng học do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện không sử dụng, bàn giao lại và được địa phương cho phép, mỗi hộ dân trong thôn đóng góp 500.000 đồng cùng nhau tu sửa lại thành nhà sinh hoạt cộng đồng. Theo hình thức này, các thôn Xuân Tân, Phia Pháp cũng có nhà sinh hoạt cộng đồng đáp ứng yêu cầu nông thôn mới.
Thông qua sự đầu tư của Nhà nước từ các chương trình, dự án và khơi dậy sức dân xây dựng kết cấu hạ tầng, tính đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện xây dựng được hơn 51km đường giao thông nông thôn, 27 nhà văn hóa thôn, 16 khu thể thao thôn…
Hỗ trợ dân sản xuất
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đào tạo nghề và chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, bời lời… được người dân phát triển mạnh.
Từ hướng đi thích hợp này, không chỉ người Kinh mà đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương đều nắm vững kỹ thuật sản xuất các loại cây công nghiệp và vươn lên trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
|
Ở xã Bờ Y có nhiều hộ điển hình như ông Thao Nhất (người Kà Doong, làng Iệc) có 3 ha cao su, 1 ha chanh dây thu 400-500 triệu đồng/năm; ông Quách Công Son (dân tộc Mường, làng Bắc Phong) có 15 ha cao su, cà phê, tiêu thu hàng tỷ đồng/năm…
Ở xã Đăk Xú, bà Y Hếp (thôn Đăk Trang) phát triển 7 ha cà phê, 8 ha cao su thu gần 600-700 triệu đồng/năm, ông A Xem (thôn Chiên Chiếc) có 30 ha cao su thu hàng tỷ đồng/năm. Giỏi làm kinh tế, từ lâu bà Y Hếp, A Xem… sắm được xe ô tô con, xe tải phục cho việc đi lại của gia đình và sản xuất.
Bên cạnh phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao, các ngành chức năng huyện Ngọc Hồi còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở tỉnh hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân sản xuất rau quả an toàn. Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Ngọc Yên 365 (xã Đăk Xú) được hỗ trợ đang phát triển mạnh và cung ứng một nguồn rau quả quan trọng cho thị trường địa phương. Các hộ trồng rau như ông Nguyễn Trung Đông, Ông Thế Hồng, Trần Thị Mai trong Tổ hợp tác này thu lãi từ 200-400 triệu đồng/năm.
Ông Trần Văn Chí khẳng định, trong thời gian đến huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng các hoạt động dịch vụ, ngành nghề nông thôn; huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn theo hướng ưu tiên bố trí cho xã có khả năng hoàn thành tiêu chí theo lộ trình; củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị ở thôn, xã... để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch.
Văn Nhiên