Huyện Đăk Hà: Nỗ lực dập dịch tả lợn Châu Phi
Trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, nhất là kiểm soát chặt chẽ các hoạt động giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và thịt lợn; khử trùng tiêu độc các phương tiện tham gia giao thông qua lại vùng có dịch... sẽ góp phần ngăn dịch bệnh lây lan, phát triển. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện Đăk Hà triển khai nhiều biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi và khi phát hiện dịch bệnh xảy ra thì cả hệ thống chính trị ở địa phương chủ động vào cuộc để dập dịch.
Ngay sau khi nhận được thông tin lợn tại cơ sở giết mổ tập trung tổ dân phố 3B, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, ngày 23/6 chúng tôi kịp thời vào vùng dịch.
Trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn 3, xã Đăk La (Đăk Hà), chúng tôi bắt gặp Chốt kiểm dịch động vật tạm thời được huyện Đăk Hà lập lên. Vôi bột trắng được rắc ngang đường để góp phần khử trùng tiêu độc các phương tiện lưu thông ra vào vùng dịch. Bên lề đường là một bàn làm việc của các nhân viên trực chốt, có hai bình phun hoá chất đặt trên.
Khi chúng tôi hỏi, các nhân viên ở đây cho biết chốt được thành lập và hoạt động chiều ngày 22/6. Ở đây các nhân viên của Chốt kiểm dịch đang làm công tác khử trùng đối với các phương tiện qua chốt nhằm không cho dịch tả lợn Châu Phi lan ra diện rộng khi lưu thông qua vùng có dịch.
Đến Trung tâm thương mại huyện Đăk Hà, chúng tôi ghé thăm các tiểu thương buôn bán thịt.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Dương Thị Hằng cho biết: Hôm qua và hôm nay đều có Đội liên ngành kiểm tra giết mổ động vật đến kiểm tra hoạt động buôn bán thịt ở trung tâm thương mại. Cán bộ trong Đội liên ngành kiểm tra giết mổ động vật huyện thông báo dịch tả lợn Châu Phi và yêu cầu các hộ tiểu thương chỉ bán sản phẩm thịt lợn qua kiểm dịch an toàn để tránh lây lan ra diện rộng.
Chị Nguyễn Thị Nguyên cho biết: Hàng ngày chúng tôi bán số lượng thịt lợn nhiều hơn gấp mười lần thịt bò. Dù được chính quyền và ngành chức năng tuyên truyền dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người khi sản phẩm thịt lợn đã nấu chín và sản phẩm thịt lợn chúng tôi bán đã qua kiểm dịch an toàn thực phẩm, nhưng hiện nay khách hàng vẫn rất ít chọn thịt lợn mà hầu hết chọn thịt bò để thay thế cho bữa ăn hàng ngày.
“Mong huyện sớm dập tắt dịch tả lợn Châu Phi, tạo điều kiện cho chị em buôn bán thịt lợn trở lại bình thường. Trong khi chờ đợi, đề nghị huyện giảm thuế cho các hộ kinh doanh thịt ở Trung tâm Thương mại huyện Đăk Hà”- chị Nguyễn Thị Nga bán thịt kế bên chị Nguyên kiến nghị.
Gần trưa, chúng tôi đến Chốt kiểm dịch tả lợn Châu Phi ở tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn 3, xã Đăk Mar (Đăk Hà). Ở đây, các xe khi qua chốt đều được các nhân viên trực Chốt kiểm dịch động vật phun thuốc tiêu trùng khử độc…
|
Làm việc với chúng tôi quanh câu chuyện lợn bị dịch tả Châu Phi và triển khai các biện pháp phòng chống dịch, ông Nguyễn Văn Thảo - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Đăk Hà cho biết: Ngày 20/6, phát hiện lợn ông Nguyễn Phong Du trong cơ sở giết mổ tập trung tổ dân phố 3B, thị trấn Đăk Hà có dấu hiệu dịch tả lợn Châu Phi, Trung tâm phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh tiến hành lấy mẫu gửi Trung tâm Thú y vùng 5 xét nghiệm và tham mưu UBND huyện tiêu huỷ 11 con lợn của ông Du.
Ngày 21/6, Trung tâm Thú y vùng 5 có kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi. Để góp phần ngăn chặn dịch bùng phát, UBND huyện kịp thời tiêu huỷ 80 con lợn của 7 hộ tại cơ sở giết mổ tập trung tổ dân phố 3B, thị trấn Đăk Hà. Cũng trong thời gian này, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện tiêu huỷ 1 con lợn bị bệnh của ông Phạm Văn Tuyên, tổ dân phố 9, thị trấn Đăk Hà và 1 con lợn của bà Trần Thị Huệ, thôn Đăk Lợi, xã Đăk Ngọk dương tính với bệnh dịch tả Châu Phi. Như vậy, đến thời điểm này, UBND huyện tiêu huỷ 93 con lợn bị bệnh trong vùng dịch tả lợn Châu Phi.
Ngày 22/6, UBND huyện Đăk Hà ban hành Quyết định 1590/QĐ-UBND công bố dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện xác định rõ vùng dịch là cơ sở giết mổ tập trung (tổ dân phố 3B, thị trấn Đăk Hà); vùng dịch bị uy hiếp là xã Hà Mòn, Đăk La, Đăk Ngọk và Đăk Mar.
Văn bản của UBND huyện Đăk Hà nêu rõ: Trong thời gian có dịch, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào vùng dịch; tạm dừng các hoạt động giết mổ gia súc tại cơ sở giết mổ tập trung của huyện; thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhằm kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào vùng có dịch. Đối với các địa phương có dịch phải chủ động và tăng cường công tác phòng dịch, giám sát chặt chẽ dịch bệnh gia súc để xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra.
Cũng trong ngày 22/6, UBND huyện Đăk Hà có quyết định về việc kiện toàn Đội liên ngành kiểm tra giết mổ động vật để kiểm tra các hoạt động giết mổ động vật; kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; vận chuyển động vật của các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện.
Tăng cường hơn nữa, quyết liệt hơn nữa việc kiểm soát hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển lợn, thịt lợn và khử trùng tiêu độc các phương tiện tham gia giao thông qua lại vùng dịch tả lợn Châu Phi ở huyện Đăk Hà đảm bảo theo quy định là yêu cầu được UBND huyện và các ngành chức năng đặc biệt coi trọng, nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan, giảm tổn thất cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước.
Văn Nhiên