Huyện Đăk Glei: Được mùa cà phê xứ lạnh
Khi nắng gió hanh hao trườn qua các dãy núi, ngọn đồi báo hiệu bắt đầu mùa khô ở Tây Nguyên, cũng chính là lúc người dân vùng Đông Trường Sơn ở các xã Đăk Man, Đăk Blô, Xốp, Đăk Choong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) rộn ràng với mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, được mùa cà phê xứ lạnh, bà con ai nấy đều phấn khởi.
Niềm vui từ cây cà phê xứ lạnh
Có mặt ở xã Đăk Man từ sáng sớm, từ đường Hồ Chí Minh chúng tôi leo lên các vườn cà phê nằm cheo leo trên sườn núi. Đến vườn cà phê, ai nấy đều mệt lả. Bù lại, ai cũng cảm thấy vui vì các vườn cà phê sai quả và người dân đang hớn hở đón khách.
Nở nụ cười tươi, bà Y Phát, thôn Măng Khên (xã Đăk Man) bộc bạch: Gia đình đang chuẩn bị thu hoạch cà phê. Giá cà phê đang lên, dân buôn cà phê đang hối thúc bà con hái bán. Nếu để cà phê chín quá, dân buôn sẽ mua cà phê giá thấp hơn. Gia đình tôi cũng như bà con ai cũng lo hái cà phê để bán.
Việc dân buôn thúc bà con hái nhanh cà phê để bán trong thời điểm cà phê vừa mới chín tới hoặc còn xanh giữa lúc cà phê đang lên giá là mánh khoé để họ kiếm nhiều lợi nhuận. Trong việc này, bà con chịu nhiều thua thiệt vì giá lên nhưng vẫn bán với giá thấp. Vì vậy, đoàn công tác Ban chỉ đạo thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh khuyên bà con nên tỉnh táo, không nên sợ dân buôn o ép mà hãy để cà phê chín nhằm nâng cao chất lượng cà phê, giá bán, có lợi cho người trồng cà phê.
|
Lắng nghe ý kiến của một số cán bộ phân tích, Y Phát hiểu ra mánh khoé của dân buôn. “Cà phê trên thị trường đang lên giá, nhưng hiện nay, dân buôn ở đây chỉ mua 5.500 đồng/kg quả cà phê tươi, thấp hơn năm trước 1.000 đồng/kg quả tươi. Mặc dù vậy, năm nay cà phê được mùa hơn năm trước, bà con phấn khởi”-Y Phát cho biết.
Trong quá trình thực hiện công tác khuyến nông, nắm bắt tình hình sinh trưởng, chăm sóc và thu hoạch cà phê, anh Nguyễn Duy Phong - nhân viên khuyến nông hỗ trợ người dân thực hiện Đề án ở các xã vùng Đông Trường Sơn huyện Đăk Glei cho biết, năm nay, các xã vùng Đông Trường Sơn được mùa cà phê xứ lạnh. Có nhiều vườn cà phê năm trước không có quả thì năm nay khá nhiều quả. Bà con vui mừng trước việc cây cà phê xứ lạnh được mùa.
Hiệu quả và vấn đề mới đang đặt ra
Nhìn lại việc phát triển cà phê, A Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Man đánh giá cao việc hỗ trợ cho người nghèo trồng cà phê xứ lạnh ở địa phương. Từ năm 2014 đến nay, Đề án hỗ trợ cho 320 hộ dân xã Đăk Man trồng 77,97ha cà phê xứ lạnh. Ở diện tích cà phê xứ lạnh trồng năm 2014-2016, vườn cà phê đã cho quả. Cây cà phê xứ lạnh năm nay được mùa, góp phần giúp người dân giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Theo bà Đinh Thị Y Ngọc - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei, khi chưa có đề án này, nhiều hộ dân ở xã Đăk Man, Đăk Blô, Xốp, Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh cũng từng trồng cà phê xứ lạnh. Tuy nhiên, trước đây người dân trồng cà phê xứ lạnh theo hình thức quảng canh, phó mặc cho tự nhiên, ít chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đầu tư phân bón thâm canh nâng cao năng suất nên năng suất cà phê thường thấp. Cây cà phê lại mau già cỗi, thu nhập người trồng cà phê xứ lạnh không cao.
“Kể từ khi thực hiện Đề án này, người dân được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, giống mới, năng suất cà phê xứ lạnh được nâng lên hơn nhiều so với trước. Đề án này đang tích cực góp phần vào thực hiện chủ trương giảm nghèo, nâng cao đời sống hiệu quả cho người dân vùng Đông Trường Sơn” - bà Đinh Thị Y Ngọc quả quyết.
Trao đổi với chúng tôi về việc năm 2019 Đề án kết thúc việc hỗ trợ trồng mới cà phê xứ lạnh, dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Đinh Thị Y Ngọc mong các sở, ngành ở tỉnh quan tâm tiếp tục hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân chăm sóc diện tích cà phê trong giai đoạn xây dựng cơ bản theo kế hoạch đặt ra; tranh thủ các chương trình, dự án khác tiếp tục hỗ trợ cho người dân trồng mới, tái canh cà phê xứ lạnh già cỗi. Đồng thời, đề nghị UBND huyện, tỉnh có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê trên địa bàn để góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm và hạn chế sự chèn ép giá cả gây bất lợi cho người trồng cà phê.
Những vấn đề bà Đinh Thị Y Ngọc đề cập cũng là những vấn đề người dân trăn trở về việc tiếp tục mở rộng, nâng cao diện tích, năng suất, chất lượng, giá cả cà phê để góp phần giúp họ giảm nghèo, nâng cao đời sống và làm giàu.
Văn Nhiên