Hướng mở từ mô hình đa cây
Đến thăm vườn của anh Trần Văn Dũng (thôn 7, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) chúng tôi không khỏi trầm trồ trước những cây cam, cây cà phê sai trĩu quả. Với sự cần cù, học hỏi, sáng tạo, anh Dũng đã vươn lên, trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, dám nghĩ dám làm.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cam, anh Dũng thoăn thoắt hái những trái cam đã chín đến độ. Chẳng mấy chốc, 2 giỏ cam đã đầy ắp, anh chất lên xe cẩn thận, mang vào nhà, sắp xếp, chia nhỏ thành từng túi chờ người mua đến.
Anh Dũng vui vẻ nói: Cam ở đây được mua giống từ chợ Lách tại Bến Tre nên rất ngon và ngọt nước. Cam được trồng sạch 100%, nên mọi người cứ yên tâm mà thưởng thức, không sợ thuốc trừ sâu hay chất bảo quản. Bây giờ, trong ngành kinh doanh cây ăn quả, cái quan trọng nhất là phải an toàn, đảm bảo chất lượng, mình cứ bán hàng uy tín, dần dần tiếng lành đồn xa, sẽ có nhiều người tìm đến mua.
Dẫn chúng tôi vào sâu trong vườn cam, anh Dũng cho biết: Ban đầu tôi chỉ trồng dăm gốc, gọi là tận dụng sản phẩm cây nhà lá vườn, nhằm kiếm trái cây sạch để phục vụ gia đình. Một thời gian sau, cây cam phát triển tốt, cho nhiều quả mọng nước, có chất lượng cao. Vậy nên, từ năm 2015, tôi quyết định đưa cây cam vào phát triển đại trà. Hiện tại, vườn cam của gia đình rộng hơn 1ha với trên 1.000 cây.
|
Anh Dũng chia sẻ: Việc trồng cây cam để phục vụ gia đình hàng ngày khá đơn giản, nhưng khi phải chăm sóc với số lượng lớn để phục vụ kinh doanh thì gặp nhiều khó khăn, thời tiết, khí hậu Tây Nguyên nắng gắt, làm vỏ cam bị cháy, sạm, những trái như vậy sẽ bị nhạt, không đảm bảo chất lượng, giá bán sẽ rất thấp, thậm chí còn bị bỏ đi.
Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là đầu ra sản phẩm. Anh Dũng cho biết: Nếu chỉ bán khoảng vài chục cân thì là chuyện đơn giản, nhưng để bán với số lượng lớn, vài tấn trở lên thì lại là một chuyện khác. Có khi đã tìm được thị trường tiêu thụ, thì thường nhà vườn lại bị ép giá. Mới đây, có người vào tận vườn thu mua, nhưng chỉ trả tôi với giá 12 nghìn đồng/kg, trong khi giá cam trên thị trường lại cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, không vì những khó khăn trước mắt mà anh Dũng nản chí. Anh luôn có suy nghĩ: Làm bất cứ việc gì cũng đều khó khăn. Mình trồng cam cũng vậy, quan trọng là phải có sản phẩm đạt chất lượng, thì sẽ có người tìm đến.
Không để việc thiếu kinh nghiệm ảnh hưởng đến vườn cam của mình, anh Dũng không ngừng mày mò, trau dồi kinh nghiệm từ sách vở, ti vi, rồi học hỏi kĩ thuật chăm sóc, canh tác có hiệu quả của các hộ trồng cam trên địa bàn.
Từ việc chịu khó học hỏi và đúc rút từ thực tiễn, anh Dũng cho biết: Cây cam muốn thu hoạch nhiều quả, đạt chất lượng cao, cần phải phát triển tối thiểu trong vòng 24 tháng. Vậy nên, cho đến năm ngoái tôi mới có thể xuất bán lứa đầu tiên, dù chỉ thu một phần diện tích nhỏ đã được khoảng 3-4 tấn, mang về cho gia đình nguồn thu nhập hơn 60 triệu đồng. Năm nay, tôi thu trên diện rộng, được trên chục tấn, với mức giá như hiện tại, mùa cam này mang lại cho gia đình nguồn thu nhập khá ổn.
Ngoài 1ha vườn cam đang trồng, anh Dũng còn trồng xen thêm 600 cây cam với 1.400 gốc cà phê trên diện tích 2ha còn lại của mình, nhằm tận dụng tối đa diện tích đất canh tác, và nguồn nước tưới tiêu hàng ngày. Anh cho biết: Dù đầu tư nhiều công sức vào vườn cam, tuy nhiên hiện tại cây cà phê vẫn đang đóng vai trò quan trọng, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Với 2ha cà phê, một năm gia đình thu được trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, anh Dũng còn tạo thêm việc làm cho người dân ở đây: thuê người cắt cỏ, chăm sóc vườn cây, thu hái cà phê cho gia đình…
Loay hoay cả ngày trong vườn, từ cây cam đến cây cà phê, anh Dũng hầu như không có thời gian rảnh rỗi. Ấy vậy, anh vẫn tiếp tục thử nghiệm trồng thêm những loại cây khác như bơ, sầu riêng… trong vườn, nhằm xây dựng thêm mô hình để phát triển kinh tế. “Nếu hợp đất và khí hậu, các loại cây này phát triển tốt, tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế của mình theo hướng đa cây” – Anh Dũng cho biết.
Tất Thành