Hội thảo Xây dựng nông thôn mới gắn với Luật Lâm nghiệp
Sáng 26/9, Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng tổ chức Hội thảo Xây dựng nông thôn mới gắn với Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.
|
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện Tổng cục Lâm nghiệp giới thiệu những nét cơ bản của Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 4 (ngày 15/11/2017). Theo đó, Luật Lâm nghiệp năm 2017 gồm có 12 chương với 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.
Các đại biểu được nghe đại diện Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng giới thiệu một số nội dung mới và chính sách mới về hỗ trợ về bảo vệ và phát triển rừng của Luật Lâm nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số và chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư...
Hội thảo cũng đã nghe báo cáo tham luận về hiệu quả giao đất, giao rừng và phát triển sinh kế dưới tán rừng ở huyện Tu Mơ Rông và chương trình giao đất, giao rừng tại huyện Kon Plông do Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng thực hiện từ năm 2015.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh Kon Tum có hơn 2/3 diện tích là rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng là trên 603.047ha, với độ che phủ rừng của rừng là 62,2%; có trên 65% dân số sống ở nông thôn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy, việc sản xuất kinh doanh từ rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững là yếu tố thuận lợi để tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về thu nhập, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội...
Các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận và kiến nghị một số nội dung liên quan như: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng dân cư, hộ gia đình đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chính sách về phát triển, bảo vệ rừng, chính sách giao khoán trồng rừng, bảo vệ rừng, chính sách sử dụng rừng gắn với vấn đề sinh kế của người dân nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân; cần có chính sách cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình thuê rừng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng để phát triển kinh tế rừng, phát triển xây dựng các trang trại nông lâm kết hợp, phát triển kinh tế dưới tán rừng...
Tin, ảnh: Đắc Vinh