Hội thảo “Thương mại và Phân phối” – CODI 2018
Sáng 14/12, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Trường Đại học Thương mại tổ chức Hội thảo Quốc tế “Thương mại và Phân phối” – CODI 2018.
Dự hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ 66 đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước cùng đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, trao đổi nhiều vấn đề về các mô hình kinh doanh thương mại và phân phối; thương mại và phân phối trong thời đại 4.0; thị trường và hành vi của khách hàng trong thương mại và phân phối…
Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề về môi trường trong toàn cầu hóa.
TS. Keryjaouen, Đại học Bretagne Sud (Pháp) nhấn mạnh, trong quá trình toàn cầu hóa, nhiều quốc gia chỉ chú trọng đến vấn đề lợi nhuận, chính điều đó có thể dẫn đến suy thoái môi trường, nhất là ở những khu vực nghèo nhất - nơi người dân sử dụng tài nguyên thiên nhiên không kiểm soát. Do đó, cùng với việc phát triển, cần nhận thức, xây dựng một mô hình kinh tế có sự gắn kết bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên.
|
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng tham luận, bàn về việc phát triển dịch vụ logistics trong thời đại 4.0.
Theo GS.TS. Đoàn Thị Hồng Vân (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Để “đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực” thì ngành dịch vụ logistics cần chú trọng chuẩn bị những điều kiện cần thiết: hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics.
Các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng và xu thế phát triển của hệ thống phân phối nông sản an toàn của Việt Nam hiện nay và việc phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu bền vững hàng nông sản tại Tây Nguyên.
TS. Lê Mai Trang (Trường Đại học Thương mại) chỉ ra rằng, Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng có sản lượng nông sản dẫn đầu trong sản xuất và xuất khẩu song không đưa được giá trị cao. Hầu hết, sản phẩm chưa chiếm lĩnh được thị trường bởi vấn đề ở khâu chế biến. Trong đó, các mặt hàng nông sản vẫn đang chủ yếu xuất khẩu thô, nếu có qua sơ chế nhưng cũng chủ ở mức độ không đáng kể. Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu còn gặp vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm khi hàng rào kỹ thuật các nước dựng lên ngày càng nhiều. Thị trường hàng hóa nông sản chưa được khai thác tốt, thiếu định hướng lâu dài, chưa tạo dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Vì vậy, việc tháo gỡ các “nút thắt trong chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản Tây Nguyên” là việc cần làm ngay để góp phần phát triển kinh tế của vùng Tây Nguyên ngày càng bền vững.
Với những vấn đề thực tế đưa ra, Hội thảo quy mô quốc tế được tổ chức đầu tiên tại Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã đóng góp về mặt khoa học, chính sách, chiến lược cho sự phát triển hệ thống thương mại và phân phối ở Việt Nam, đặc biệt là Tây Nguyên. Đồng thời, góp phần giúp khu vực Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng có cơ hội kết nối giữa các nhà khoa học, qua đó cùng xây dựng ý tưởng, thương hiệu, quảng bá, đưa sản phẩm sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả...
Tin, ảnh: Bình An