Hội nghị Sản xuất nông nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0
Sáng 25/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Đăk Hà tổ chức Hội nghị Sản xuất nông nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0: cơ hội, thách thức và phát triển.
|
Hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá về những cơ hội, thách thức và phương hướng phát triển của việc sản xuất nông nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng số hóa, hội tụ nhiều công nghệ hiện đại như internet vạn vật, cơ sở dữ liệu lớn và phân tích, trí tuệ nhân tạo… ở tất cả các ngành, lĩnh vực của xã hội. Trong đó, đặc trưng nổi bật của cuộc cách mạng này là dùng công nghệ thay thế dần sự có mặt của con người trong mọi hoạt động.
Nền nông nghiệp vận dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0 được gọi là nông nghiệp 4.0. Cụ thể, nông nghiệp 4.0 là một quy trình khép kín bằng công nghệ nhằm tạo ra các nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, cho năng suất cao và nâng cao điều kiện làm việc của người lao động.
Tại Việt Nam, nông nghiệp 4.0 có nhiều cơ hội để phát triển, cụ thể: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết Số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xu thế hội nhập kinh tế nước ta ngày càng sâu rộng; khoa học công nghệ ngày phát triển nhanh.
Tuy nhiên bên cạnh đó, việc áp dụng nông nghiệp 4.0 vẫn còn nhiều thách thức: Các cơ sở sản xuất nhỏ, các sản phẩm truyền thống khó cạnh tranh về giá thành, chất lượng; việc cạnh tranh kinh tế gay gắt, các doanh nghiệp FDI (các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có nhiều lợi thế cạnh tranh ở nội địa; hạn chế mô hình tăng trưởng tăng cường yếu tố sản xuất; mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp…
|
Hội nghị thảo luận một số đề xuất nhằm phát triển nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp 4.0 đến năm 2025 và định hướng 2030 theo hướng phát triển nhân lực và cơ sở hạ tầng thông minh đồng bộ để đáp ứng nông nghiệp 4.0; hỗ trợ và cung cấp tín dụng ưu đãi cho nông dân, doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng nông nghiệp thông minh ở tất cả các lĩnh vực trong chuỗi nông sản thực phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nông nghiệp 4.0 để tiếp nhận công nghệ; nâng cao khả năng dự báo thị trường nông sản để có chiến lược sản phẩm,…
Tất Thành