Hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp “đúng” và “trúng”
Ngay những ngày đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành một Chỉ thị riêng về việc củng cố, kiện toàn, phát triển hợp tác xã nông nghiệp (HTX) cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của loại hình này trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhận diện khó khăn
HTX nông nghiệp T.N từng được biết đến là đơn vị tiên phong trong sản xuất và cung ứng rau củ, trái cây theo hướng an toàn.
Nhưng sau thời gian đầu làm ăn có lãi, tìm được chỗ đứng trên thị trường vốn đầy tính cạnh tranh thì hiện tại, hoạt động của HTX lại đang đứng trước không ít khó khăn, cả từ “bên ngoài” lẫn “bên trong”.
Trong đó, khó khăn cũ là khả năng tiếp cận chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay còn hạn chế, do không đáp ứng được các thủ tục. Vì vậy HTX chưa có kinh phí đầu tư trụ sở làm việc, mua sắm máy móc, thiết hiện đại, nhân rộng mô hình sản xuất.
|
Mặt khác, công tác quản lý, điều hành chưa được chặt chẽ, đúng quy trình do đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn là “tay ngang”. Trong khi không đủ điều kiện tài chính để thu hút người có trình độ cao, được đào tạo bài bản vào làm việc.
Khó khăn mới nảy sinh là một số thành viên chưa thống nhất và liên kết rõ ràng, vẫn hoạt động đơn lẻ, tự tìm nguồn mua con giống và đầu ra. Một số thành viên cũng chưa chủ động nắm bắt kỹ thuật mới; ngại đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn, dẫn đến hiệu quả chưa được như mong muốn.
Nhất là hiện nay, khi chuyển đổi số được đẩy mạnh, các phương thức sản xuất, kinh doanh liên quan đến công nghệ “lên ngôi”, thì HTX cũng bộc lộ hạn chế mới. Đó là việc tiếp cận công nghệ thông tin, thương mại điện tử, ứng dụng khoa học kỹ thuật rất hạn chế- Giám đốc HTX phàn nàn.
Trên thực tế, đây cũng là những hạn chế chung của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ở góc độ khác, đây đồng thời là những khó khăn có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp.
Theo UBND tỉnh, trong những năm gần đây, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, số lượng HTX nông nghiệp tăng, thu hút nhiều thành viên, xây dựng được nhiều mô hình điển hình tiên tiến, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.
Có trên 60% HTX nông nghiệp đã có tích luỹ vốn và thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhiều HTX phát triển ổn định, bền vững, bắt nhịp kịp thời với chuyển đổi số, như HTX Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung, HTX Rạng Đông, HTX Rau, hoa và du lịch Thanh Niên, HTX Công bằng Pô Kô, HTX Nấm đông trùng hạ thảo, HTX Tân Sang Hoàng; HTX Cao Nguyên Coffee; HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông; HTX Thế hệ mới Đăk Mar.
Đã có 36 HTX nông nghiệp tham gia sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm của 2 HTX được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 69 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Dù vậy, hoạt động của HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế, khó khăn, như quy mô nhỏ, chất lượng nguồn nhân lực thấp, năng lực quản lý hạn chế. Nhiều HTX thiếu vốn, thiếu tài sản, đất đai, đặc biệt là thiếu hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, có khoảng 15% HTX nông nghiệp (tương ứng 30 HTX) ngưng hoạt động, hoạt động cầm chừng, hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với HTX và giữa HTX với doanh nghiệp còn hạn chế.
Hỗ trợ “đúng” và “trúng”
Mới đây, ngày 15/1, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc củng cố, kiện toàn, phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của HTX nông nghiệp này trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Chỉ thị nhấn mạnh các cấp, các ngành và chính quyền các huyện, thành phố phải triển khai đồng bộ, hiệu quả những giải pháp, nhóm giải pháp cụ thể, đảm bảo hỗ trợ “đúng” và “trúng”, từ đó tạo môi trường thuận lợi để HTX nông nghiệp phát triển.
Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, thành phố, đặc biệt là người đứng đầu, cần xác định rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển HTX nông nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
|
Về tín dụng, cần tạo điều kiện thuận lợi để các HTX nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay tại các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.
Có các quy định hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính nhà nước cho các HTX, đặc biệt là HTX quy mô vừa và nhỏ, chưa đủ năng lực; quan tâm hỗ trợ đào tạo các thành viên, nhất là lãnh đạo HTX.
Chú trọng vận động thành lập mới HTX nông nghiệp ở các xã có sản phẩm chủ lực mà chưa có HTX; phát triển quy mô thành viên trong các HTX, đảm bảo có ít nhất 20% hộ DTTS tham gia HTX trên địa bàn.
Tạo điều kiện cho HTX tham gia xây dựng các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị khép kín, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, thế mạnh địa phương, chương trình OCOP.
Một vấn đề rất cần thiết là đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân nhận thấy rõ HTX là điểm tựa quan trọng để khắc phục kiểu sản xuất truyền thống “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy cày”. Qua đó tạo lập và phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, có sản lượng đủ lớn để đàm phán giá với doanh nghiệp và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tăng cường đảm bảo quyền lợi của thành viên khi tham gia HTX theo hướng các thành viên đều có quyền bình đẳng, được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính. Việc phân phối thu nhập của HTX đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch.
Từ đó củng cố niềm tin và tăng động lực tham gia HTX của nông dân!
Thành Hưng