Hiệu quả từ công tác giao đất, giao rừng cho dân
Chính sách giao rừng hiện nay cùng với việc thực hiện DVMTR cho hộ gia đình sống gần rừng được hưởng từ 200-300 nghìn đồng/ha/năm đã gắn quyền lợi với trách nhiệm, khuyến khích được người dân, cộng đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng...
Trước tình hình tài nguyên rừng ở nhiều nơi bị suy giảm nghiêm trọng, thực hiện chủ trương của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về công tác giao đất, giao rừng, ngày 24/7/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 30/2008/QĐ-UBND quy định trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng chuyển mục đích sử dụng gắn với giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời điều chỉnh Phương án tổng quan giao rừng, cho thuê rừng tỉnh giai đoạn 2009-2013.
Thực hiện chủ trương trên, đến nay, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành công tác giao đất, giao rừng theo các chương trình, mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 73.395,3ha cho 5.798 hộ gia đình và cộng đồng 20 thôn, làng để quản lý bảo vệ.
Công tác giao đất, giao rừng, đặc biệt là việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) gắn với việc khoán quản lý, bảo vệ rừng cho dân của các chủ rừng và chính quyền địa phương, tài nguyên rừng được giao trên địa bàn ngày càng được bảo vệ có hiệu quả.
|
Trong các mô hình, việc giao đất giao rừng cho cộng đồng thôn, làng của các chủ rừng và chính quyền địa phương từ các chương trình, dự án được thực hiện tại 20 thôn, làng được đánh giá khá hiệu quả. Ở diện tích rừng được giao, cộng đồng thôn, làng thường phân công nhau tổ chức kiểm tra, tuần tra ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; kịp thời ngăn chặn người dân và các đối tượng từ nơi khác đến có ý đồ xâm hại rừng.
Trong một lần đến thăm khu rừng được giao cho cộng đồng ở thôn Vi Chring, xã Hiếu (huyện Kon Plông), chúng tôi nhận thấy rừng ở đây giữ được màu xanh, không thấy có dấu hiệu phát, đốt trái pháp luật. Anh A Pho- Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng ở đây khẳng định: Rừng được giao cho cộng đồng rồi, người dân nhận tiền bảo vệ, không dám phá rừng...
Tại làng Đăk Prông, xã Đăk Tờ Kan (huyện Tu Mơ Rông), trao đổi với chúng tôi, bà Y Phun bộc bạch: Dân làng mình nhận tiền DVMTR của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, ai cũng có trách nhiệm bảo vệ nên rừng không bị mất nữa.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, so với công tác giao đất, giao rừng trước đây, việc giao đất giao rừng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Quyết định số 1264/QĐ-UBND ngày 18/11/2011 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Phương án tổng quan giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2009-2013, đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nếu như việc giao rừng trước đây, quy định về quyền lợi của người được giao đất, giao rừng không rõ ràng, thời gian được hưởng lợi lâu... không phù hợp đời sống của đồng bào DTTS còn nghèo, thì chính sách giao rừng hiện nay cùng với việc thực hiện DVMTR cho hộ gia đình sống gần rừng được hưởng từ 200-300 nghìn đồng/ha/năm đã gắn quyền lợi với trách nhiệm, khuyến khích được người dân, cộng đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, cùng với những nỗ lực của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc thực hiện Phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên rừng ngày càng được quản lý, bảo vệ hiệu quả hơn.
Theo thống kê mới nhất, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là 769.401ha (diện tích có rừng 593.657ha, diện tích đất lâm nghiệp không có rừng 175.743ha), độ che phủ của rừng chiếm 62,4%. Tỉnh Kon Tum vẫn là một trong những địa phương có mật độ che phủ rừng cao nhất nước.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, tài nguyên rừng hiện nay vẫn còn bị xâm hại; việc thực hiện chính sách liên quan đến quản lý bảo vệ rừng vẫn còn những bất cập. Cụ thể như chính sách DVMTR được xem là tối ưu, nhưng DVMTR chỉ chi trả cho những diện tích rừng nằm trong lưu vực cung cấp dịch vụ, nhiều diện tích rừng nằm ngoài lưu vực không được hưởng dịch vụ, hoặc được hưởng nhưng mức hỗ trợ thấp, khiến việc bảo vệ rừng ở đây gặp nhiều khó khăn.
Trước những vấn đề đang đặt ra, theo các chuyên gia, Trung ương cần có cơ chế thoáng hơn cho phép các địa phương điều phối, sử dụng tiền DVMTR ở nơi được hưởng lợi cao hỗ trợ cho nơi không được hưởng lợi để bảo đảm sự công bằng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; các bộ, ngành Trung ương xem xét, sửa đổi kịp thời các chính sách hưởng lợi cho những hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia nhận đất, nhận rừng vì các chính sách hưởng lợi trước đây theo các chương trình giao đất, giao rừng (QĐ 178, QĐ 304...) cho người dân không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Văn Nhiên