Hiệu quả từ chương trình xúc tiến thương mại
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua, tỉnh ta triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Qua đó, làm cầu nối giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; tăng cường quan hệ thương mại.
Ông Võ Văn Mười - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại và Tư vấn công nghiệp tỉnh (thuộc Sở Công thương) cho biết: Từ năm 2014, sau khi UBND tỉnh ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, hoạt động xúc tiến thương mại dần sôi động, đa dạng và thường xuyên hơn, quy mô và hình thức tổ chức phù hợp đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ phát triển ở thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh mà còn hướng mạnh đến thị trường trong nước và cả thị trường xuất khẩu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng kênh phân phối, tìm kiếm cơ hội quảng bá những mặt hàng có lợi thế của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thị.
Trước hết, đối với thị trường trong tỉnh, hoạt động xúc tiến thương mại để lại dấu ấn rõ nét nhất là việc triển khai các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Theo ước tính của Sở Công thương, mỗi năm, đơn vị tổ chức khoảng 10 chuyến đưa hàng Việt đến các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Mỗi chuyến đưa hàng Việt về nông thôn thu hút từ 3- 5 doanh nghiệp tham gia với các mặt hàng thiết yếu như đồ dùng gia đình, hoá mỹ phẩm, may mặc...
|
Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, Sở Công thương tổ chức trên 10 phiên chợ đưa hàng Việt đến các huyện trên địa bàn tỉnh. Thông qua chương trình này đã giúp cho các doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần xây dựng niềm tin vào sản phẩm nội địa; đồng thời, giúp người tiêu dùng vùng nông thôn tiếp cận, sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hoá của Việt Nam đảm bảo chất lượng với giá cả phù hợp.
Để quảng bá hình ảnh và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, giúp các doanh nghiệp có cơ hội ký kết các hợp đồng kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà phân phối, đại lý trong cả nước; hơn 4 năm qua, Sở Công thương cùng với các ngành chức năng đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia 15 hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Các hoạt động kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, An Giang... cũng đã được Sở Công thương thực hiện. Thông qua các chương trình kết nối giao thương đã giúp các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các hợp đồng thương mại cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, trung tâm thương mại lớn của cả nước và nhận phân phối các sản phẩm thị trường Kon Tum đang có nhu cầu.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương tổ chức, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh Attapư, Chămpasắc (CHDCND Lào); Kratie, Rattanakiri (Vương quốc Campuchia). Tại các hội chợ, các doanh nghiệp đã đưa các sản phẩm trưng bày, triển lãm. Trong đó, chủ yếu là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: cà phê các loại; rượu sâm Ngọc Linh, rượu ngũ vị tử, rượu sim, sâm dây, cốt toái bổ, mật nhân, các loại trà, chè dây Măng Đen, đường, tinh bột sắn, đồ thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ …
Không chỉ dừng lại ở việc vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, kết nối giao thương, trong các năm qua, Sở Công thương còn chú trọng tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về kinh doanh và phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, hội nhập kinh tế quốc tế cho đội ngũ doanh nhân của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Từ đó, các doanh nhân sẽ chủ động cập nhật, có những phán đoán, tiên liệu xu hướng thị trường để các doanh nghiệp xác định được các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của mình; linh hoạt và thích ứng khi điều kiện thị trường thay đổi để đưa doanh nghiệp phát triển.
Sở Công thương cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, về đăng ký, bảo hộ và phát triển thương hiệu, về áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; nhất là khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào các ngành, lĩnh vực…
Có thể nói, hoạt động xúc tiến thương mại đã thực sự có tác động lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã; góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh; nâng cao mức tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Thiên Hương