Hiệu quả từ chính sách dịch vụ môi trường rừng ở thị trấn Măng Đen
Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) hiện có 11 cộng đồng với 531 hộ dân ở 5 thôn đang tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích 4846,82ha. Hàng năm, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, các cộng đồng ở đây còn sử dụng nguồn tiền nhận khoán từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng rất hiệu quả.
Vào buổi sáng giữa tháng 4/2020, trong ngôi nhà mới xây ở thôn Kon Pring (thị trấn Măng Đen), khi chúng tôi hỏi về khoản thu nhập của gia đình từ nguồn khoán bảo vệ rừng, vợ chồng A Đék và Y Gam phấn khởi chia sẻ: Nhờ thu nhập từ lâm sản phụ trên diện tích rừng nhận khoán (măng, nấm linh chi, lá kim cương, sim rừng) và tiền dịch vụ môi trường rừng mà gia đình mình đã làm được nhà mới với kinh phí 60 triệu đồng.
Gia đình anh A Đék chỉ là một trong những hộ dân tham gia cộng đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thôn Kon Pring có 1 cộng đồng gồm 67 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích 635,33ha cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông. Trong năm 2019, công ty đã chi trả cho cộng đồng nhận khoán thôn Kon Pring số tiền hơn 368 triệu đồng. Thông thường số tiền này sẽ được trả đều cho 67 hộ dân và mỗi hộ sẽ nhận được gần 5,5 triệu đồng. Tuy nhiên, 67 hộ dân ở thôn Kon Pring đều nhất trí trích lập quỹ 30 triệu đồng từ số này để sử dụng làm kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân tham gia cùng các lực lượng, ban ngành truy quét các điểm nóng về phá rừng, hỗ trợ việc chữa cháy rừng. Sau khi nhận tiền nhận khoán, 67 hộ dân ở đây còn đóng góp mỗi hộ số tiền 100.000 đồng để góp vào quỹ chung của thôn. Việc đóng góp quỹ là tự nguyện và được bàn bạc, thống nhất trong cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng; nguồn quỹ được quản lý chặt chẽ và công khai các khoản chi.
|
Anh A Rvét – Thôn trưởng thôn Kon Pring cho biết, nhờ việc tham gia nhận khoán, ý thức bảo vệ rừng của các hộ dân trong thôn được nâng lên rõ rệt. Ngoài việc đi tuần tra theo lịch, các hộ dân luôn chủ động bám rừng và nhiệt tình trong công tác hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của công ty, lực lượng kiểm lâm và chính quyền. Tham gia giữ rừng, các hộ dân còn được khai thác các lâm sản phụ, có thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình mỗi ngày.
“Ở thôn Kon Pring, ngoài hộ anh A Đék và chị Y Gam, còn có nhiều hộ khác cũng làm được nhà mới từ tiền dịch vụ môi trường rừng và bán các lâm sản phụ”- Thôn trưởng A Rvét vui vẻ nói.
Cũng giống như cộng đồng nhận khoán ở thôn Kon Pring, các cộng đồng nhận khoán ở thôn Kon Vơng Kia cũng tích cực trong công tác bảo vệ rừng và sử dụng nguồn tiền nhận khoán được chi trả một cách hiệu quả.
Anh A Xe – thôn trưởng thôn Kon Vơng Kia cho hay, thôn có 3 cộng đồng gồm 126 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng (với tổng diện tích 908,15ha) cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông. Trong năm 2019, 3 cộng đồng nhận tổng số tiền gần 506 triệu đồng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hầu hết khi nhận tiền, mỗi cộng đồng đều nhất trí trích ra 20 triệu đồng để sử dụng làm kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân tham gia tuần tra, truy quét, chữa cháy rừng… và mỗi hộ dân ở các cộng đồng này đều đóng góp từ 100.000 – 200.000 đồng vào quỹ của thôn sau khi nhận tiền nhận khoán.
Đánh giá về công tác bảo vệ rừng và sử dụng nguồn tiền nhận khoán của các cộng đồng nhận khoán trên địa bàn, ông Phan Ngọc Hải – Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen chia sẻ, tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, các hộ dân ở các cộng đồng không chỉ năng nổ trong công tác tuần tra rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, kịp thời phát hiện các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp mà còn phát huy được sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể để sử dụng nguồn tiền nhận khoán được công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông chi trả một cách hiệu quả.
Đức Thành