Hiệu quả của việc đưa vào giết mổ gia súc tập trung ở huyện Sa Thầy
Trong khi nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang loay hoay với “bài toán giết mổ gia súc tập trung”, thì thời gian qua huyện Sa Thầy đã xóa các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Những năm trước đây, trong các khu dân cư trên địa bàn huyện Sa Thầy vẫn còn tình trạng giết mổ gia súc nhỏ lẻ, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà những hệ lụy vệ sinh an toàn thực phẩm do không quản lý, kiểm soát được, gây ra nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Năm 2016 huyện Sa Thầy đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung để đưa công tác giết mổ vào trật tự cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cung cấp ra thị trường.
Với sự chỉ đạo của chính quyền huyện Sa Thầy, sự vào cuộc triển khai của các ngành chức năng, khu giết mổ gia súc tập trung huyện Sa Thầy (thôn 1, thị trấn Sa Thầy) đi vào hoạt động cuối năm 2016.
Hiện nay, khu chế biến, giết mổ gia súc tập trung huyện Sa Thầy trung bình mỗi ngày giết mổ, chế biến từ 25 đến 30 con heo và từ 1 đến 2 con bò, những thời điểm giáp Tết Nguyên đán mỗi ngày giết mổ trên 100 con heo, bò.
|
Theo ông Trần Đại Hiệp - cán bộ phụ trách khu giết mổ gia súc tập trung huyện Sa Thầy (Trung tâm Dịch vụ công ích huyện Sa Thầy), để có được kết quả ấy là cả một lộ trình với những kế hoạch chi tiết, bài bản. Theo đó, Trung tâm đã kết hợp linh hoạt giữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách với việc giáo dục ý thức trách nhiệm của công dân với cộng đồng. Đồng thời, phát huy tối đa quy chế dân chủ cơ sở bằng việc tham khảo, lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của những người đang hành nghề giết mổ. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện để người dân tiếp tục kinh doanh mà không bị gián đoạn, mất khách hàng...
Lúc đầu khi mới xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung chỉ vỏn vẹn có 4 phòng giết mổ heo và 2 phòng giết mổ bò nhưng vẫn không có ai chịu vào giết mổ, mặc dù Trung tâm hỗ trợ hoàn toàn tiền củi đốt, tiền điện trong suốt 3 tháng đầu tiên. Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, huyện Sa Thầy cũng đã ấn định cho các hộ làm nghề giết mổ gia súc thời gian cụ thể chuyển đổi địa điểm giết mổ, nếu hộ nào vi phạm sẽ chịu hình thức xử phạt theo pháp luật. Ông Trần Đại Hiệp cho biết thêm.
Từ cách làm này, khu giết mổ bước đầu tạo được sự đồng thuận của người dân. Bởi, qua tuyên truyền họ nhận thức được việc đưa gia súc vào khu vực giết mổ tập trung thuận tiện cho việc kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc gia súc và đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau một thời gian ngắn, một số hộ chuyên giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong các khu dân cư đã chuyển vào khu giết mổ gia súc tập trung.
Sau khi thấy một số hộ chuyển vào hoạt động ở khu giết mổ gia súc tập trung có những thuận lợi riêng, các hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ khác cũng lần lượt xin chuyển vào hoạt động. Khi khu giết mổ tập trung không còn phòng, các hộ vào sau đã tự bỏ tiền ra để xây dựng phòng và hệ thống giết mổ; có hộ tự bỏ tiền đầu tư cả trăm triệu đồng để xây dựng phòng giết mổ gia súc.
Từ 6 phòng giết mổ gia súc ban đầu, đến nay khu vực giết mổ gia súc tập trung được các hộ kinh doanh giết mổ đầu tư xây dựng thêm 5 phòng giết mổ, nâng số phòng giết mổ ở khu vực giết mổ gia súc tập trung của huyện lên 11 phòng.
Tôi có mặt ở khu giết mổ gia súc tập trung huyện Sa Thầy vào thời điểm nửa đêm khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ, cả một khu vực điện thắp sáng rực, hàng chục người đang hăng say làm việc.
Khu giết mổ gia súc tập trung hiện có 12 hộ hoạt động kinh doanh giết mổ gia súc. Sau khi đưa gia súc về tập kết trong chuồng trước đó, các hộ gia đình bơm nước dội rửa heo sạch sẽ mới giết mổ, rồi chở ra chợ sau khi lăn dấu chứng nhận sản phẩm an toàn của cơ quan thú y.
Bà Nhạn - một chủ lò mổ ở đây cho biết, kể từ khi chuyển vào hoạt động ở khu giết mổ gia súc tập trung thì mọi việc cũng tương đối thuận lợi. Tuy hàng tháng phải trả thêm tiền thuê phòng giết mổ, tiền kiểm dịch thú y khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng đối với heo và hơn 1,5 triệu đồng đối với bò nhưng bù lại đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và không còn gây ảnh hưởng, phiền phức đến khu dân cư... Khu giết mổ gia súc tập trung ra đời góp phần giúp các hộ kinh doanh giết mổ gia súc thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh...
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp như vừa tuyên truyền phổ biến, vừa lắng nghe ý kiến của người dân và cương quyết triển khai các chế tài đối với các hộ không thực hiện chủ trương nên việc đưa các hộ kinh doanh giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong các khu dân cư vào khu giết mổ gia súc tập trung của chính quyền và ngành chức năng huyện Sa Thầy đạt được những kết quả đáng ghi nhận và tạo sự đồng thuận cao của người dân.
Đắc Vinh