Giúp người nghèo, đối tượng chính sách thoát nghèo bền vững
Hàng nghìn lượt người nghèo, đối tượng chính sách, người dân vùng đồng bào dân tộc khó khăn trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế; nhiều người dân có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu…Đó là hiệu quả mang lại từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 285 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để sản xuất, kinh doanh với tổng doanh số cho vay đạt hơn 5.120 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2018, toàn tỉnh có hơn 25.000 lượt hộ được vay vốn với tổng số tiền hơn 730 tỷ đồng.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyển giao khoa học, công nghệ, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng suất, tăng thu nhập. Đồng thời, Ngân hàng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn nhận ủy thác thực hiện công tác quản lý vốn tín dụng chính sách… Thông qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, dự án sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao như: dự án cao su tiểu điền tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum; dự án trồng cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông; dự án trồng rau hoa xứ lạnh, cây dược liệu ở huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông; dự án phát triển đàn trâu, bò để hỗ trợ giảm nghèo bền vững ở Kon Rẫy và Sa Thầy…
Trong 15 năm qua, chính từ nguồn vốn tín dụng chính sách cho các hộ nghèo vay đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả đã giúp cho hơn 53.000 hộ toàn tỉnh thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến hết năm 2018 xuống còn 17,29%.
Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã giúp cho gần 20.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục học tập; xây dựng được gần 10.000 căn nhà cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và hàng nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường vùng nông thôn…
|
Nói về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, ông Lê Danh Thứ- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đánh giá: Các chương trình, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động tích cực đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới…
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 86-KH/TU này 12/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy… nhằm mục đích quản lý sử dụng tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập, nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn…
Phúc Nguyên