Giá rau trên thị trường cao, người trồng rau vẫn gặp khó khăn
Giá rau bán lẻ trên thị trường vẫn ở mức cao, nhưng giá rau bán ra tại ruộng lại rẻ như cho, thậm chí khó bán vì thương lái ép giá, khiến người trồng rau trên địa bàn thành phố Kon Tum gặp rất nhiều khó khăn.
Khảo sát tại một số điểm bán rau an toàn trên địa bàn thành phố Kon Tum, phóng viên ghi nhận giá rau xanh bán lẻ đến tay người tiêu dùng duy trì ở mức khá cao trong suốt thời gian qua.
Chị Vương Thị Phước - quản lý Cửa hàng rau an toàn trên đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Kon Tum) cho biết: Hiện, giá rau cải bán ra khoảng 20.000 đồng/kg, xà lách thông thường khoảng 30.000 đồng/kg, xà lách trồng thủy canh có giá tới 50.000 đồng/kg; hành, ngò khoảng 20.000 đồng/kg... Khách hàng của cửa hàng chủ yếu là công nhân viên chức, bếp ăn bán trú của các trường mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các trường học tạm dừng hoạt động, lượng rau bán ra giảm hẳn, nhất là từ thời điểm thực hiện cách ly xã hội, người dân đến mua rau khá ít. Vì vậy, cửa hàng buộc phải duy trì giá bán cao để đảm bảo nguồn thu, trang trải cho các khoản thuê mặt bằng, chi phí tiền điện, hao hụt.
|
Tại siêu thị Vinmart, giá bán rau còn cao hơn so với các cửa hàng rau an toàn khoảng từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại. Tại các chợ dân sinh, giá bán rau củ có thấp hơn so với các hệ thống bán lẻ hiện đại, song mức giá cũng duy trì ổn định suốt từ sau Tết đến nay.
Trong khi giá bán lẻ các mặt hàng rau xanh trên thị trường không có nhiều biến động thì giá bán rau của nông dân tại vườn lại đang rất thấp. Đã vậy, việc tiêu thụ rau của các chủ vườn cũng gặp nhiều khó khăn.
Chị Lê Thị Hồng Ngọc ở (tổ 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cho biết: Giá các loại rau mà thương lái thu tại ruộng chỉ vào khoảng 2.000 đồng/kg, riêng hành lá có giá bán cao hơn, ở mức 5.000 đồng/kg. Thế nhưng, thương lái cũng chỉ thu mua cầm chừng, thỉnh thoảng mới ghé lấy một lần với số lượng ít. Rau không bán được cũng không thể để lâu nên tôi đành phải cắt cho heo, cho gà ăn, rồi còn cuốc đất làm vụ mới.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ giá rau sụt giảm, rau trồng ra không bán được là do các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh thời gian này đều đang tạm ngừng kinh doanh, một số ít hoạt động thì cũng thu hẹp quy mô nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm nói chung, trong đó có mặt hàng rau xanh giảm mạnh. Mặt khác, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều thương lái cũng nghỉ buôn bán nên lượng rau đưa đi các tỉnh, thành khác tiêu thụ cũng hạn chế. Điều đó khiến cho lượng rau của người dân trồng ra bị ùn ứ, không tiêu thụ được, đẩy giá rau giảm sâu.
Bên cạnh đó, kể từ khi thực hiện cách ly xã hội, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hạn chế đi chợ, đi siêu thị nên nhu cầu tiêu thụ rau và thực phẩm cũng giảm.
|
Anh Nguyễn Văn Long - nhà vườn trồng rau ở phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum) chia sẻ: Thông thường, một lứa rau từ lúc xuống giống đến khi được thu phải 30-40 ngày. Khi mình trồng, thị trường vẫn ổn định, nhưng đến thu hoạch có khi giá cả giảm mạnh. Đặc biệt, thời điểm này, việc tiêu thụ rau trên địa bàn và xuất bán đi các tỉnh đều khó khăn nên đành phải chấp nhận. Dẫu vậy, chúng tôi xác định, tất cả các ngành nghề đều chịu thiệt hại nên mình vẫn phải cố gắng chờ qua thời điểm khó khăn này.
Trong tình hình chung hiện nay, bên cạnh việc cố gắng vượt qua khó khăn, điều các nhà vườn trồng rau cần làm là không nên mở rộng diện tích; lựa chọn các giống rau trồng phù hợp đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm hạn chế rủi ro.
Hoàng Thanh