Giá mì tăng cao, các nhà máy lao đao
Không như những năm trước, bước vào vụ thu hoạch năm nay, giá mì nguyên liệu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh liên tục tăng mạnh. Mặc dù, thời điểm này các nhà máy chế biến tinh bột sắn đẩy giá lên cao “kỷ lục”, nhưng hầu hết các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong tình trạng khan hiếm nguyên liệu do nguồn cung không đủ cầu.
Hơn 1 tháng nay, các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh bắt đầu thu mua mì nguyên liệu để bước vào vụ sản xuất mới. Do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều làm trữ lượng tinh bột đạt thấp, cùng với diện tích trồng mì không mở rộng nhiều, trong khi đó nhiều diện tích trồng mì lâu năm sản lượng mì củ đạt không cao nên đã làm cho giá mì tăng cao hơn nhiều so với nhiều năm trước.
Hiện giá mì nguyên liệu tại các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Rẫy... bình quân từ 2.900 đồng đến 3.200 đồng/kg đối với mì có hàm lượng tinh bột đạt từ 30% trở lên, tăng hơn từ 1.000 đến 1.200 đồng/kg so cùng kỳ niên vụ trước.
Theo đánh giá của các đơn vị thu mua, chế biến tinh bột sắn thì đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây khi cây mì đã vào vụ thu hoạch.
|
Một thương lái tên Hạnh (nhà ở thị trấn Sa Thầy) chuyên thu mua củ mì tại các xã Mô Rai, Rờ Kơi, Ya Tăng, Ya Xiêr... để bán cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn ở xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) và bán cho Công ty TNHH tinh bột sắn Kon Tum cho biết: Hiện giá củ mì nguyên liệu mua vào của các nhà máy tiếp tục tăng mạnh thêm 300 đồng/kg so với đầu tháng 9, lên mức phổ biến từ 2.900 đồng đến 3.200 đồng/kg.
Theo chị Hạnh, có nhiều khả năng giá củ mì trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao vì hiện nay mới đầu mùa vụ nhưng theo quan sát ở các địa phương củ mì năm nay đang rất khan hiếm.
"Thời điểm này các năm trước, có ngày tôi mua trên một trăm tấn củ mì tươi là chuyện bình thường, nhưng năm nay mỗi ngày mua được chỉ chừng vài chục tấn củ, cho dù nhà máy thu mua với giá khá cao. Nguyên nhân là do năm nay mưa nhiều, củ mì không phát triển và lượng tinh bột trong củ đạt thấp nên bà con không tiến hành thu hoạch và phải đợi mì 2 năm mới thu hoạch. Nếu thu hoạch vào thời điểm năm nay thì lượng tinh bột đạt không quá 30%, sẽ bị trừ tiền nên người dân đợi năm sau mới thu hoạch. Với giá mì như thời điểm này thì người trồng mì cũng đã có lãi hơn 1.000 đồng/kg sau khi trừ tiền thuê đất, nếu không phải thuê đất thì lãi khoảng 1.300 đồng/kg..." - chị Hạnh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Nhà máy chế biến cồn và tinh bột sắn Đăk Tô cho biết, chưa có năm nào việc tìm đầu vào cho nhà máy “khan” như năm nay. Để có nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, bảo đảm công ăn, việc làm cho anh em công nhân, nhà máy đã thu mua với giá cao hơn cùng thời điểm so với năm ngoái gần 1.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ nguyên liệu để nhà máy hoạt động hết công suất. Hiện nay, mỗi ngày nhà máy chỉ sản xuất được khoảng 150 tấn bột/ngày (tương đương khoảng 800 tấn củ/ngày) chỉ bằng 50% công suất hoạt động của nhà máy.
Với giá thu mua củ mì tươi của nhà máy cao như hiện nay, trong khi giá bột mì xuất ra lại không tăng nên việc sản xuất, hoạt động của nhà máy ở thời điểm này hầu như không có lãi. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của nhà máy, đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân và đảm bảo nguồn bột mì cung cấp cho khách hàng nên nhà máy vẫn phải cố gắng hoạt động.
"Nguyên nhân giá củ mì tươi tăng cao là do hiện nay trên địa bàn tỉnh có tới 8 nhà máy thu mua, chế biến tinh bột mì. Trong khi diện tích trồng mì không tăng đáng kể nên các nhà máy hầu hết hiện nay đều đang “đói” củ mì tươi. Hiện các nhà máy phải “đua” nhau mua nguyên liệu mì với giá cao, bất chấp hoạt động không có lãi, thậm chí là thua lỗ..." - ông Nguyễn Văn Hiệp than vãn với chúng tôi về tình trạng khan hiếm mì nguyên liệu trên địa bàn.
Không khá gì hơn so với Nhà máy chế biến cồn và tinh bột sắn Đăk Tô, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kon Tum (đặt tại xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) cũng đang trong tình cảnh tương tự.
Phó Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kon Tum - ông Nguyễn Văn Thái cho biết, hiện nay các nhà máy đang ra sức cạnh tranh thu mua củ mì tươi. Để đảm bảo có nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, các nhà máy buộc phải tranh mua củ mì tươi ở các huyện khác có khi cách nhà máy hơn cả 100km và chấp nhận trả chi phí vận chuyển cao. Do không đủ nguồn nguyên liệu hoạt động nên nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng mỗi ngày đạt chưa đầy 50% công suất thiết kế của nhà máy. Không những thế, hiện nay nhà máy cũng chỉ hoạt động 2 ngày nghỉ 1 một ngày...
Theo nhận định chung của các nhà quản lý và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, bên cạnh việc có đến 8 nhà máy chế biến tinh bột mì hoạt động và hầu hết các nhà máy đều tăng công suất thiết kế và diện tích nguyên liệu trồng mì không tăng nhiều, thì một trong những nguyên nhân do thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng như năm nay là do niên vụ trước có những thời điểm giá mì cũng tăng khá cao nên người dân đã ồ ạt nhổ mì 1 năm và 2 năm để bán. Và diện tích mì trồng mới lại cho năm nay chỉ mới được vài tháng, trong khi thời tiết gặp mưa nhiều nên trữ lượng bột trong củ đạt thấp nên nguồn cung nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến tinh bột sắn không đảm bảo.
Đắc Vinh