Già làng A Lào nêu gương sáng
Dù đã bước sang tuổi 71 nhưng ông A Lào - già làng, người có uy tín ở thôn Đăk Răng (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) vẫn tích cực phát triển kinh tế, xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) để làm gương cho bà con trong thôn học tập và làm theo.
Mô hình kinh tế VAC của già A Lào nằm trên một khu đất có địa hình không bằng phẳng nhưng trồng bạt ngàn cà phê, lúa, kết hợp với nuôi cá, gà, vịt…
Già A Lào cho biết, trước đây, khu đất này rất khô cằn, toàn cây le rậm rạp. Năm 1975, sau khi đi bộ đội trở về, vợ chồng ông mới dựng nhà tạm để ở và bắt tay vào khai hoang đất quanh nhà để trồng lúa rẫy, trồng mì.
Năm 2012, sau khi được dân làng bầu làm già làng, già A Lào xác định: Để bà con học tập và làm theo, mình là già làng nên mình phải gương mẫu đi đầu. Và đấy là lý do để tôi quyết tâm xây dựng mô hình VAC.
Bằng bàn tay, khối óc và sự nỗ lực của mình, già A Lào đã cải tạo mảnh vườn quanh nhà rộng chừng 1,3ha có địa hình đồi dốc đang trồng mì thành mô hình VAC khép kín.
Dù địa hình đất đai không bằng phẳng nhưng nhờ khả năng tư duy tốt, lựa chọn và bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý nên già A Lào đã xây dựng được một mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Già A Lào chọn 8 sào đất có vị trí cao nhất ở vườn nhà để chuyển đổi sang trồng cà phê. Ở khu đất phía vùng trũng khoảng 2 sào, được già đào ao vừa thả cá, vừa tranh thủ nguồn nước để tưới tiêu cho vườn cây; chăn nuôi gà, vịt. Khu đất còn lại khoảng 3 sào, có địa hình tương đối bằng phẳng hơn, được già A Lào chọn trồng lúa nước 2 vụ để đảm bảo cái ăn cho gia đình.
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn cà phê của già A Lào năm nào cũng trĩu quả, ruộng lúa cho năng suất rất cao; gà, vịt nuôi được thì lúc nào cũng có bán đều đều. Ngoài chi tiêu, trang trải cuộc sống trong gia đình, mỗi năm vợ chồng già A Lào cũng còn dư vài chục triệu đồng để dưỡng già.
Phát huy vai trò của già làng, vào các buổi chào cờ hàng tháng của thôn (diễn ra vào ngày mùng 10 hàng tháng), già làng A Lào luôn tích cực vận động bà con dân làng, nhất là thanh niên mới ra riêng lập thân lập nghiệp phải chăm chỉ làm ăn, tránh tình trạng lười lao động, hay tụ tập uống rượu thâu đêm suốt sáng.
Nhìn thấy sự nỗ lực và mô hình kinh tế của già làng A Lào, bà con dân làng Đăk Răng ai ai cũng khâm phục. Nhiều người trong làng đã đến nhà già A Lào để nhờ hướng dẫn, giúp đỡ cách làm ăn, nhất là kỹ thuật trồng cà phê. Từ chỗ chỉ trồng lúa, trồng mì là chủ yếu, đến nay, bà con dân làng Đăk Răng đã phát triển được 77ha cà phê và nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, bời lời.
Chị Y Đông ở thôn Đăk Răng nhớ lại: Ngày mới lập gia đình ra riêng, hai vợ chồng tôi được bố mẹ cho gần 2ha đất trồng trọt nhưng vì không có vốn và kinh nghiệm làm ăn nên chỉ trồng được vài sào lúa. 3 năm nay, nhờ già làng A Lào vận động, hai vợ chồng đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng thêm 7 sào cà phê và 1ha mì. Phấn khởi là đến nay, gia đình tôi đã thoát được nghèo.
Nhận xét về già làng A Lào, Thôn trưởng Thao Tăng cho biết: Thôn Đăk Răng hiện có 200 hộ gia đình (hơn 600 khẩu) nhưng đến nay chỉ còn 8 hộ nghèo. Kết quả này, bên cạnh nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, phải kể đến công lao của già làng A Lào trong việc phối hợp cùng với chi bộ, ban nhân dân, Mặt trận và các đoàn thể của thôn trong việc tuyên truyền, vận động bà con giảm nghèo…
Bài, ảnh: Tú Quyên