Giá hoa tươi tăng cao
Gần đây, thời tiết nắng mưa thất thường cộng với việc người trồng hoa không nắm được nhu cầu thị trường và sản xuất không có kế hoạch, thêm vào đó lượng hoa nhập từ các tỉnh bạn về giá lại cao, khiến nguồn cung không bảo đảm nhu cầu trên địa bàn, đẩy giá hoa tăng cao.
Khảo sát tại một số sạp hoa tươi trên địa bàn thành phố Kon Tum, chúng tôi ghi nhận giá hoa các loại đều tăng cao gấp đôi so với cách đây nửa tháng. Theo người dân phản ánh, điều này trước đây hiếm khi xảy ra.
Chị Hồng Thu–chủ sạp hoa tươi tại Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum cho biết, các loại hoa được chị lấy trực tiếp ở Đà Lạt về. Giá sỉ cao gấp đôi so với trước nên giá bán ra cũng phải tăng lên. So với trước, giá hoa hồng các loại chỉ từ 2.500-3.000 đồng/bông, hiện tại lên đến 5.000-6.000 đồng/bông. Tương tự, hoa mai vàng cali trước có giá 15.000 đồng/bó, hiện tại bán ra 30.000 đồng/bó; hoa cúc lưới trước đây 30.000 đồng/bó, hiện tại 60.000 đồng/bó; hoa mai cúc cam trước đây 20.000 đồng/bó, giờ bán ra 40.000 đồng/bó; cúc thường trước đây 8.000 đồng/cây, hiện tại có giá 15.000 đồng/cây...
Vừa chọn xong bó cúc lưới (mỗi bó khoảng 8-10 bông) tại chợ gần nhà, chị Trinh (phường Duy Tân) bất ngờ khi chủ hàng báo giá 60.000 đồng/bó, cao gấp đôi so với trước.
“Tôi hơi bất ngờ nên hỏi đi hỏi lại nhưng người bán khẳng định lại giá trên là đúng và giải thích là, hiện tại nguồn cung khan hiếm, giá hoa nhập vào tăng cao nên phải nâng giá lên. Mới 2 tuần trước, giá cúc lưới tôi mua các loại chỉ từ 25.000 – 40.000 đồng/bó, tùy loại nhỏ hay lớn. Ban đầu tôi định mua nhiều, nhưng vì giá cao nên tôi chỉ mua 1 bó này thôi” – chị Trinh chia sẻ.
|
Chị Trần Thị Mỹ Lương (chủ sạp hoa tươi chợ Duy Tân – thành phố Kon Tum) giải thích với chúng tôi “Giá bán cao nhưng lợi nhuận thì vẫn vậy, thậm chí khó bán hơn vì giá mua sỉ vào rất cao. Mặc dù hoa đang có giá nhưng tôi không dám nhập hàng nhiều vì sợ bán không hết. Trước đây hiếm khi nào xảy ra tình trạng như vậy, giá hoa hiện tại còn cao hơn những ngày Tết”.
Chị Võ Thị Thu - chủ sạp hoa tại Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum cũng thừa nhận, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, giá hoa có tăng nhưng cũng không cao như hiện nay. Chị cho biết, giá hoa chỉ tăng cao vào gần nửa tháng nay, nhất là từ sau Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm). Theo giải thích của các thương lái ở Đà Lạt thì sản lượng vụ này đột nhiên sụt giảm nghiêm trọng, nguyên nhân ngoài thời tiết nắng mưa thất thường còn do bà con đồng loạt giảm số lượng gieo trồng.
Theo tìm hiểu, từ khi xuống giống, trung bình từ 2,5 đến 3 tháng là hoa có thể thu hoạch nên người trồng hoa sẽ tính toán thời điểm gieo trồng sao cho thu hoạch đúng vào ngày rằm, ngày cuối tháng hoặc các ngày lễ để bán được giá. Đợt xuống giống vừa rồi, bà con đồng loạt giảm sản lượng nên lượng hoa cung cấp ra thị trường gần đây bị ít đi nhiều so với trước, khiến cho giá bị đẩy lên cao.
Tại vườn hoa của chị Hương (tổ 4, phường Nguyễn Trãi), thay vì trước đây vài ngày chị mới thu hoạch một lứa để giữ cho hoa được tươi, thì nay chị cùng gia đình thu hoạch luôn cả 2 sào hoa cúc chỉ trong 2 ngày để kịp cho thương lái đến thu mua. Chị Hương giải thích, sau dịch bệnh Covid-19, nhu cầu mua hoa của người dân giảm mạnh. Thấy thế, đợt gieo trồng vừa rồi bà con không dám trồng nhiều vì sợ không bán được. Hiện nay hoa lại được giá nhưng vì trồng ít nên không có hoa để bán, thu nhập cũng chẳng được nhiều. Vụ vừa rồi nhà chị cũng cắt giảm diện tích trồng từ 5 sào xuống còn 2 sào.
Ngoài việc do bà con đồng loạt giảm diện tích gieo trồng, sản lượng hoa sụt giảm còn do sự biến đổi thời tiết, nắng mưa thất thường.
Anh Hưng - chủ vườn hoa phường Nguyễn Trãi giải thích: Cây hoa thích hợp với thời tiết ổn định, không chịu được nắng mưa thất thường. Để trồng đúng cách, người dân phải trồng hoa trong nhà màng hoặc có nilong che phủ để tránh mưa nắng trực tiếp. Nhưng vì sợ tốn kém chi phí, một phần do chủ quan, bà con trước nay hay trồng ngoài trời, không có gì che chắn. Gần đây, hiện tượng mưa nắng thất thường nên cây hoa không thích nghi được và chết đi. Hiện tại, 2 sào hoa cúc vàng của anh tuy được giăng màng nilon cẩn thận nhưng số lượng lớn cây vẫn bị chết do không chịu nổi sự thất thường của thời tiết.
Hy vọng rằng, rút kinh nghiệm thực tế từ việc khan hiếm nguồn cung hoa cho thị trường trong thời gian qua, người trồng hoa sẽ có kế hoạch sản xuất hợp lý, tránh chạy theo tâm lý đám đông để không xảy ra tình trạng mất cân đối cung- cầu như vừa qua. Bên cạnh đó, người trồng hoa cũng cần có những biện pháp an toàn, hợp lý để đối phó với sự biến đổi thời tiết thất thường, tránh thất thoát sản lượng khi thu hoạch, bảo đảm thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế.
Hoàng Thanh