Gạch không nung "chật vật" tìm thị trường
Mạnh tay đầu tư vào dây chuyền sản xuất gạch không nung, với mẫu mã đa dạng, đảm bảo chất lượng; giá thành tương đương với gạch nung, nhưng đầu ra cho sản phẩm này vẫn là bài toán khó cho các doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực mới mẻ này...
Khi đang hoạt động khá ổn trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, anh Nguyễn Đức Xuân quyết định "tấn công" vào lĩnh vực sản xuất gạch không nung. Trước đó, anh đã có thời gian dài ấp ủ ý tưởng, đồng thời đầu tư kinh phí, công sức, thời gian chạy ngược chạy xuôi học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm công nghệ, nguồn nguyên liệu...
Tôi rất ấn tượng với các sản phẩm gạch không nung mà nhiều nơi đã dùng vào xây dựng. Đây là loại gạch có độ chịu lực cao, không thấm nước, giữ nhiệt và chống ồn rất tốt, lại là gạch "xanh" và "sạch", không gây tác hại cho môi trường - anh Nguyễn Đức Xuân cho biết.
|
Khoảng 3 tỷ đồng được anh Xuân huy động để đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, thiết bị... Với dây chuyền sản xuất có công suất 2,7 triệu viên/năm; mẫu mã đa dạng, đảm bảo chất lượng; giá thành tương đương với gạch nung, anh Xuân hy vọng sản phẩm gạch không nung sẽ nhanh chóng tìm được chỗ đứng.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm "vật lộn" với công nghệ gạch không nung, hiện tại anh vẫn phải vừa sản xuất vừa “nhìn ngó” thị trường; bởi sức tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn rất chậm.
Chỉ cho chúng tôi thấy sản phẩm gạch không nung làm ra chưa tiêu thụ được chất cao như núi, anh Xuân cho hay, dù gần như cắt lãi, giá bán ở mức hợp lý nhất, tương đương với gạch nung, ở vào khoảng 900 đồng/viên đối với gạch loại nhỏ, 1.800 đồng/viên gạch loại lớn, nhưng vẫn ế ẩm.
Theo anh Xuân, so với gạch đất sét nung, gạch không nung có các ưu điểm vượt trội, như ít phát thải khí nhà kính; sử dụng ít nhiên liệu; sử dụng phế thải làm nguyên liệu; nhẹ, có khả năng cách âm, cách nhiệt; đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm giá thành.
Số liệu thống kê từ ngành chức năng cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư sản xuất gạch không nung, với công suất (theo dự án được lập) khoảng 100 triệu viên/năm; hiện nay có 5 nhà máy đang sản xuất với tổng công suất hơn 30 triệu viên/năm.
Qua khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum, các nhà máy đã đi vào hoạt động đều đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. "Một nghịch lý là, dù biết gạch không nung có nhiều ưu điểm, nhưng người dân vẫn chỉ chuộng gạch thẻ nung"- một chủ doanh nghiệp sản xuất gạch không nung ở huyện Đăk Hà phàn nàn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó một phần là vì việc sử dụng vật liệu xây đất sét nung truyền thống đã ăn sâu vào quan niệm của nhiều người tiêu dùng, trong khi họ lại chưa có nhiều thông tin về sản phẩm gạch không nung nên không tin dùng.
Tiếp theo nữa là việc thực hiện chưa nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về sử dụng gạch không nung trong xây dựng. Theo lộ trình, trong năm 2017, các công trình xây dựng có sử dụng gạch xây trong thi công, bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung ít nhất 30% trên tổng số vật liệu xây; năm 2018, tỷ lệ sử dụng gạch xây không nung ít nhất là 50%; năm 2019, ít nhất là 80% trên tổng số vật liệu xây. Đến năm 2020, các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.
|
Nhưng thực tế hiện nay thì số công trình được đầu tư từ ngân sách sử dụng gạch không nung cũng không nhiều, thậm chí nhiều nhà thầu còn phớt lờ luôn; nếu có sử dụng thì cao lắm cũng 25-30% - một chủ cơ sở sản xuất gạch không nung ở huyện Kon Plông cho hay.
Thấy rõ lợi thế của vật liệu xây dựng không nung, tháng 3/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 548/KH-UBND về phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó đề ra mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ tối thiểu 40% vào năm 2020.
Tuy vậy, thực tế thị trường hiện nay cho thấy đây là mục tiêu khó hoàn thành được, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và ngành chức năng, nhất là trong việc thực hiện đúng lộ trình giảm dần và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung thủ công.
Hơn bao giờ hết, giờ đây các doanh nghiệp gạch không nung đang rất cần sự vào cuộc đồng hành của các cấp, ngành, từ đó đưa sản phẩm gạch không nung phát triển bền vững.
Chúng tôi mong muốn, Nhà nước cần có thêm các chính sách khuyến khích nhà sản xuất, chủ đầu tư công trình sử dụng vật liệu xây không nung, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm, giải pháp sử dụng gạch không nung trong các công trình sử dụng vốn ngân sách - anh Nguyễn Đức Xuân kiến nghị.
Thành Hưng