Dựa vào dân để giữ nguồn gen sâm quý
Kể từ khi "vương quốc" sâm Ngọc Linh trên những đỉnh núi rậm rạp rừng già, quanh năm mây phủ "lộ diện", đã có không ít người tò mò về việc làm thế nào để Công ty CP Sâm Ngọc Linh bảo vệ nguồn gen quý cho "Quốc bảo" trước sự "tấn công" của sâm giả, sâm kém chất lượng? Và đây, bí mật đã được "bật mí"...
Những mầm cây quý hơn... vàng
Tôi nhớ mãi hình ảnh anh thanh niên Xơ Đăng nâng niu trong tay mầm sâm Ngọc Linh giống trong đôi tay thô ráp, xù xì. Xem kìa, quý như vàng ấy nhỉ- tôi bắt chuyện.
Anh cười, đôi mắt ánh lên niềm vui: Còn quý hơn vàng ấy chứ. Cho vàng, có tiền rồi ăn cũng hết, nhưng có cây sâm giống này thì nhà mình sẽ có cơ hội thoát nghèo.
Ấy là A Liêm, người thôn Pu Tá, xã Măng Ri. Từ sáng sớm, anh đã vượt mấy ngọn núi để xuống xã nhận cây sâm Ngọc Linh giống. Anh vui vẻ cho biết, mấy ngày nay rồi, kể từ khi nhận thông tin sẽ được Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh tặng 100 cây sâm giống, vợ chồng gần như không ngủ được. Vợ chồng mình sẽ chăm cây giống thật tốt, vì nó là hy vọng thoát nghèo của già đình mình- A Liêm nói.
|
Đứng bên cạnh A Liêm, A Tôn (xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông) cẩn thận xếp từng cây sâm giống vào giỏ mây có quai xách, đôi tay chai sần gượng nhẹ từng chiếc lá, như sợ làm chúng rụng. "A Tôn cứ cười không khép được miệng đó. Do vui quá đấy mà"- A Liêm trêu. Xung quanh rộn tiếng cười.
Với hơn 400 hộ dân ở 7 xã thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông (gồm Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Đăk Na) và Đăk Glei (gồm Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp), ngày được nhận cây sâm Ngọc Linh giống do Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh trao tặng là một ngày đặc biệt, bởi ước mơ được trồng loại cây "bạc tỷ" này thành hiện thực. "Cây sâm giống hiện khan hiếm lắm, trên thị trường có giá khoảng 300.000 đồng/cây, nhưng rất khó mua. Nên khi được nhận 100 cây sâm giống/hộ, bà con rất bất ngờ và vui- A Tôn bộc bạch.
Đứng ở một góc sân nhìn bà con phấn khởi nhận sâm giống, Chủ tịch UBND xã Măng Ri Nguyễn Bá Thành phấn khởi: Đây là món quà hết sức quý giá và có ý nghĩa đối với đồng bào 7 xã. 46.500 cây sâm Ngọc Linh giống đem lại niềm hy vọng và động lực cho bà con thoát nghèo bền vững.
Theo anh Thành, tuy nằm trong vùng được cấp chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh, địa phương rất muốn phát triển loại cây này nhưng không có giống cây gốc. Số cây giống này, xã Măng Ri sẽ giao cho các hộ dân có trách nhiệm và đủ điều kiện trồng, chăm sóc, không những để nhân rộng giống, mà còn là vườn cây để đối chứng với nạn cây giống sâm giả.
Còn Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây Nguyễn Văn Đang thì tự tin cho rằng ít năm sau sẽ chủ động được nguồn giống từ 1.000 cây sâm giống do Công ty trao tặng. "Điều làm chúng tôi yên tâm là, ngoài hỗ trợ giống, Công ty còn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; thường xuyên kiểm tra, giám sát để từ những cây giống này sống khỏe, đáp ứng yêu cầu bảo tồn nguồn gen quý hiếm"- Chủ tịch Nguyễn Văn Đang chia sẻ.
Và câu chuyện dài về giữ nguồn gen quý
Nếu là người lần đầu tiên gặp mặt, chắc chắn rằng sẽ không thể ngờ được, người đàn ông nhỏ con, có vầng trán rộng, đôi mắt luôn nhìn thẳng vào người đối diện, và lối trò chuyện bặt thiệp ấy chính là Trần Hoàn- ông chủ của “vương quốc” sâm Ngọc Linh…
Bên vườn sâm gốc, có biển đề năm 1998, Trần Hoàn trải lòng về hành trình cứu “thần dược” sâm Ngọc linh thoát khỏi “cửa tử”. Âm thầm nhưng quyết liệt, lặng lẽ nhưng đầy đam mê, Trần Hoàn dốc hết tâm huyết, tiền của làm cái việc mà không ít người khi ấy nói là "khùng": lặn lội tìm kiếm, thu mua lại sâm của người dân đào được rồi đem về rừng... trồng lại.
|
Không thể kể hết những khó khăn mà anh em đã vượt qua đâu. Ăn cũng nghĩ đến trồng sâm; ngủ cũng mơ thấy thấy trồng sâm. Khi cây sâm đầu tiên ra hoa, kết hạt, mọi người mừng đến phát khóc; rồi cũng xót xa đến phát khóc khi củ sâm giống không bật mầm hoặc bị sóc, chuột phá hoại...- Trần Hoàn nhớ lại.
Sau nhiều năm nỗ lực, chỉ với mong muốn gìn giữ một giống sâm quý cho đất nước, cho Kon Tum, từ những mầm sâm giống đầu tiên, đến nay, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh do Trần Hoàn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã gây dựng được gần 500 ha sâm Ngọc Linh. Tiếng lành đồn xa. "Vương quốc" sâm Ngọc Linh do Trần Hoàn gây dựng không còn là điều bí mật.
Điều đặc biệt là, dù hiện nay đủ năng lực cung cấp hàng triệu cây sâm giống mỗi năm, nhưng Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh không bán ra thị trường. "Chúng tôi chỉ dùng để mở rộng diện tích và hỗ trợ giống cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở vùng chỉ dẫn địa lý trồng, vừa để giúp dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng vừa bảo vệ nguồn gen sâm quý, tránh sự lai tạp"- Trần Hoàn khẳng định.
Lâu nay vẫn có nhiều người tò mò về việc, các anh làm thế nào để bảo vệ vườn sâm gốc, ngăn chặn sự lai tạp gen quý với các loại cây trồng ngoại lai khác. Anh có thể "bật mí" không? Tôi chộp lấy cơ hội.
Anh trầm tư: Trong thời gian qua, do giá trị y dược, giá trị kinh tế rất cao của "Quốc bảo", tên gọi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng cho sâm Ngọc Linh, nên xuất hiện một số cá nhân và doanh nghiệp bán hạt giống sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán sâm Ngọc Linh giả (củ có hình dạng giống sâm Ngọc Linh), sâm không có nguồn gốc, xuất xứ khá phổ biến. Những hành vi này đem lại ẩn họa khôn lường cho vườn sâm gốc cũng như nguồn gen quý, bởi sâm Ngọc Linh có nguy cơ lai tạp dần và mất đi nguồn gen đặc hữu; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của sản phẩm Quốc gia sâm Ngọc Linh.
Vì vậy, với bảo vệ nguồn gen sâm quý đang là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, chứ không phải là lợi nhuận. Trong hành trình ấy, chúng tôi phải dựa vào người dân để thiết lập nên “vành đai” bảo vệ hữu hiệu nhất, với nhiều lớp, nhiều tầng- Trần Hoàn tiết lộ.
Ngay từ những ngày đầu, Trần Hoàn đặc biệt quan tâm đến việc liên kết với người dân tại chỗ. Hiện nay, Công ty đã ký hợp đồng liên kết trồng sâm Ngọc Linh gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng với hơn 300 hộ dân thuộc 20 thôn của 3 xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây. Ngoài chi phí ăn ở, trả lương cho người dân, từ năm 2011 đến nay, Công ty cấp miễn phí hơn 50.000 cây sâm giống/năm cho bà con tự trồng trên quỹ đất do Công ty quản lý, dưới sự giám sát kỹ thuật chặt chẽ, sản phẩm thu được thuộc về người dân 100%.
Có thể nói, việc liên kết với các hộ dân mang lại nhiều lợi ích to lớn. Cùng với việc thay đổi một cách tích cực ý thức của người dân về giữ rừng, bảo vệ môi trường rừng để trồng dược liệu và sâm Ngọc Linh, các tổ, đội, nhóm hộ đã được thành lập để quản lý vườn sâm, quản lý cây giống, không cho bất cứ cá nhân nào mang cây ngoại lai, không rõ nguồn gốc vào vùng trồng, mặt khác tránh được tình trạng nhổ sâm non đem đi bán, ảnh hưởng đến việc nhân giống và mở rộng diện tích sâm...
Rời vườn sâm, tôi không bất ngờ khi nghe Trần Hoàn thổ lộ rằng, ước mơ của anh không chỉ dừng lại ở vườn sâm này mà là làm sao để sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu mạnh, nằm trong danh sách những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Kon Tum nói riêng, Việt Nam nói chung. Đặc biệt, không chỉ người có nhiều tiền mới được dùng sâm Ngọc Linh như hiện nay, mà cả người ít tiền cũng có thể...
Tôi tin rằng, ngày ấy không còn xa!
Thành Hưng