Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên: Góp phần thay đổi cuộc sống cho người nghèo Ngọc Hồi
Huyện Ngọc Hồi được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2015 – 2019 hỗ trợ. Trong gần 4 năm qua (2015-2018), thông qua việc triển khai hợp phần hỗ trợ sinh kế, dự án giúp đỡ hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn huyện có sinh kế làm ăn, từng bước thoát nghèo.
Năm 2015, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên chính thức được triển khai tại 5 xã: Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Ang, Sa Loong và Đăk Kan của huyện Ngọc Hồi với tổng số 43 thôn. Theo kế hoạch, Dự án được triển khai thực hiện trong 4 năm 2015-2019 với mục tiêu từng bước nâng cao mức sống cho người dân thông qua nỗ lực cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo.
Từ nguồn hỗ trợ của Dự án, năm 2015, trên địa bàn xã Đăk Dục có 30 hộ nghèo, hộ cận nghèo được chọn tham gia nhóm chăn nuôi bò sinh sản. Ngay sau khi thành lập nhóm, các hộ tham gia dự án đã được hỗ trợ về vốn mua con giống, thức ăn, đồng thời được cán bộ xuống từng hộ tham gia nhóm khảo sát, hướng dẫn quy trình làm chuồng trại chăn nuôi, phương pháp cho ăn, cách phòng chống bệnh và chăm sóc bò sinh sản, các biện pháp bảo đảm chuồng trại và vệ sinh môi trường; kỹ thuật làm đất trồng cỏ voi cung cấp nguồn thức ăn cho bò... Đến nay, qua hơn 3 năm triển khai, 30 con bò sinh sản được hỗ trợ ban đầu đã sinh sản được rất nhiều bê con.
|
Anh A Khen - Trưởng nhóm chăn nuôi bò sinh sản của thôn Đăk Hú, xã Đăk Dục cho biết: Qua thực hiện Dự án, bà con rất vui mừng, vì đã tạo điều kiện cho mọi người trong nhóm không những được thoát nghèo, mà còn được học hỏi một số kinh nghiệm trong việc chăn nuôi.
Dự án còn xây dựng các nhóm chăn nuôi dê sinh sản nhốt chuồng và heo sinh sản, heo thịt. Các đối tượng được tham gia nhóm sinh kế là hộ nghèo và hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% tổng số vốn, còn hộ trung bình được hỗ trợ 30% tổng số vốn.
Theo anh Đinh Công Tiện - nhóm sinh kế nuôi dê nhốt chuồng sinh sản tại thôn Tân Bình, xã Đăk Kan cho biết: Nhóm của anh hiện có 7 hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí mới. Dự án đầu tư cho nhóm 8 con dê, trong đó có 1 con dê cái và 7 con dê đực. Sau 1 năm chăm sóc, đến nay, tổng đàn dê có 15 con, trong đó bán 2 con để gây quỹ và mua cám, thuốc men, hiện tại có mấy con chuẩn bị đẻ.
Còn gia đình chị Vũ Thị Duyên cũng ở xã Đăk Kan tham gia vào nhóm sinh kế chăn nuôi heo sinh sản địa phương cho biết: Sau gần 1 năm chăn nuôi, từ 3 con heo được hỗ trợ (1 con đực và 2 con cái), đến nay, heo cái đã đẻ được 2 lứa, mỗi lứa từ 8-10 con, bước đầu đem lại lợi nhuận kinh tế cho gia đình.
Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hộ nghèo và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã. Trước đây, con đường nhánh 1, nhánh 2 thôn Tân Bình, xã Đăk Kan mùa mưa lầy lội đi lại rất khó khăn. Nhưng đến tháng 6/2018, Dự án đã hỗ trợ kinh phí gần 500 triệu đồng bê tông hóa tuyến đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản.
Ông Hiêng Lăng Thuận – Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho biết: Nhờ có Dự án này mà bà con học hỏi được rất nhiều và chí thú làm ăn nên thu nhập cũng được tăng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 6,2%.
Từ khi triển khai dự án đến nay, toàn huyện đã thực hiện được 178 tiểu dự án sinh kế hỗ trợ người dân trong vùng dự án thoát nghèo, trong đó có 63 nhóm sinh kế trồng lúa nước; 9 nhóm sinh kế trồng ngô, 5 nhóm sinh kế nuôi bò sinh sản, 33 nhóm sinh kế nuôi dê sinh sản, 55 nhóm sinh kế nuôi heo sinh sản và heo thịt, 16 nhóm sinh kế cải tạo vườn hộ, 55 công trình cơ sở hạ tầng được phê duyệt và triển khai với tổng kinh phí trên 44 tỷ đồng, trong đó vốn ODA trên 42,18 tỷ đồng, vốn đối ứng gần 2,103 tỷ đồng.
Theo thống kê, tới thời điểm hiện tại, có ít nhất 60% số hộ dân trong vùng dự án hài lòng về lợi ích kinh tế có được nhờ cơ sở hạ tầng, sản xuất được cải thiện; năng suất bình quân tăng ít nhất 10%, có ít nhất 60% phụ nữ và người dân tộc thiểu số hài lòng với mức độ tham gia của họ trong lập kế hoạch và quá trình đưa ra quyết định. Người dân thấy được lợi ích trong tiểu dự án nuôi gia súc tập trung và đang nhân rộng hình thức này ra toàn cộng đồng.
Mặc dù thời gian triển khai dự án chưa dài, nhưng với những tiểu dự án có chu kỳ thực hiện ngắn đã sớm mang lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo. Hơn nữa, thông qua các hoạt động sinh kế, người dân còn được tiếp cận kỹ thuật trong nông nghiệp, thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, tạo nên sự liên kết, lan tỏa trong phong trào cùng nhau học tập, nâng cao năng lực sản xuất để xóa đói giảm nghèo.
Có thể nói, qua gần 4 năm triển khai thực hiện, Dự án đã mang lại cơ hội sinh kế cho gần 2.400 hộ gia đình, trong đó có 1.650 hộ nghèo trên địa bàn 5 xã được hưởng lợi nói trên. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11% xuống còn khoảng 6%. Đặc biệt, các hộ nghèo tham gia Dự án đã giảm nghèo đáng kể, bình quân từng nhóm thoát được 4-5 hộ.
Hà Nguyên