Đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế của Tỉnh uỷ, ngày 10/1/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 31/QĐ-UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu... được đặt lên hàng đầu.
Mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác của tỉnh là nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tập trung phát triển, nuôi trồng các loại cây trồng nông nghiệp và dược liệu phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân; hình thành và phát triển nền sản xuất nông nghiệp và dược liệu có ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, tạo ra giá trị hàng hóa lớn, gắn với chế biến sâu và xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp... Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trước hết, để tạo sự đồng thuận, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về vai trò của phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng các phong trào dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến để nhân rộng.
Đối với UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu rà soát, đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức quản lý, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đảm bảo cho khu nông nghiệp công nghệ cao này hoạt động có hiệu quả.
Tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể, phấn đấu trong năm 2019 có ít nhất 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lập, đi vào hoạt động tại thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà. Hình thành ít nhất 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1 vùng sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn, cá nước lạnh, sản phẩm từ gia súc ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và 1 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Hà; hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại những địa bàn có điều kiện thuận lợi nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ theo hướng công nghiệp; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2019 đạt 10-13% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chủ động khảo sát, rà soát diện tích đất nông nghiệp có diện tích lớn, thuận lợi để phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên kết, vận động dồn đổi, tích tụ đất hình thành “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án để có thể triển khai đầu tư vào năm 2020; ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật (thủy lợi, điện, đường giao thông, các dịch vụ hỗ trợ, hỗ trợ hệ thống nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, thiết bị,…) tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh giao nhiệm vụ rà soát, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ tham mưu công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định; phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 3 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
Trong triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm chủ lực của tỉnh để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm; hỗ trợ, khuyến khích đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hình thức hợp tác xã nông nghiệp và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp để tổ chức liên kết với doanh nghiệp sản xuất qui mô cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm có chất lượng cạnh tranh, giá trị gia tăng, tiếp cận dần với chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động tham mưu giải quyết những phát sinh trong quản lý nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức có chuyên môn sâu ngành nông nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến về nông nghiệp tại các quốc gia có công nghệ tiên tiến trên thế giới.
UBND tỉnh giao nhiệm vụ Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí công nhận ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Thông tư số 27/2013/TT-BKHCN ngày 17/2/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ, lập hồ sơ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định. Chủ động tìm kiếm, hợp tác với các đối tác có tiềm lực khoa học công nghệ trong, ngoài nước để chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, nhất là các khâu chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn quốc gia, đối tác; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh rà soát, lựa chọn một số mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh (trong đó, có sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum và một số dược liệu khác)... tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền chứng nhận thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum và một số dược liệu khác, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn mác, bao bì, mã vạch, xuất xứ nguồn gốc ... cho một số sản phẩm nông nghiệp; triển khai ứng dụng công nghệ Block Chain (quản lý theo chuỗi) để quản lý xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp...
UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ đất theo quy định hiện hành; tuyên truyền, vận động và hướng dẫn triển khai thực hiện dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ để nhân dân biết, hiểu và thực hiện. Tham mưu cấp thẩm quyền kiên quyết thu hồi diện tích đất đã giới thiệu thực hiện các dự án trên địa bàn nhưng nhà đầu tư chậm hoặc không triển khai thực hiện để thu hút các dự án tiềm năng khác.
Đối với Sở Công thương, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong nước và quốc tế để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh… phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Đối với các sở, ban ngành còn lại, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ, triển khai các giải pháp một cách cụ thể để thực hiện tốt mục tiêu đặt ra.
Từ chủ trương đến hiện thực hoá sự đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ và sáng tạo của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cán bộ và nhân dân.
Bài và ảnh: Văn Nhiên