Đột phá chỉnh trang, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị
Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Chương trình hành động triển khai thực hiện chỉnh trang, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới, các khu, cụm công nghiệp - đô thị ‑ dịch vụ trên địa bàn tỉnh là một trong ba lĩnh vực đột phá năm 2019.
Chỉnh trang, phát triển đô thị
Để tạo đột phá trong chỉnh trang, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu chỉnh trang và phát triển đô thị đảm bảo mỹ quan, văn minh, an toàn và vệ sinh môi trường gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; xử lý, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi mua bán, quảng cáo… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở đô thị thành phố Kon Tum; kết hợp phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh và ứng phó biến đổi khí hậu; hình thành các thị tứ, điểm dân cư nông thôn kiểu mẫu trên địa bàn các huyện, thành phố.
Về chỉnh trang, phát triển đô thị kết hợp với thương mại, dịch vụ, UBND tỉnh tập trung phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị giữa xây dựng mới và chỉnh trang đô thị hiện hữu; trong đó kết hợp với phát triển đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu theo các đề án, kế hoạch của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm hình thành các khu đô thị mới như: Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao; Tổ hợp thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và nhà phố; Trung tâm thể dục thể thao và các công trình phụ trợ; Khu dân cư phía bắc đường Nơ Trang Long; Khu dân cư Hoàng Thành; Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh; Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ; Tổ hợp Trung tâm thương mại kết hợp nhà ở thương mại (Shophouse); Khu đô thị dọc hai bờ sông Đăk Bla; Khu du lịch văn hoá, lịch sử Ngục Kon Tum…
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, dự án cụ thể để tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước, thoát nước, thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường và các công trình phúc lợi công cộng theo quy hoạch; trồng cây xanh, tạo mỹ quan đô thị tại trung tâm các huyện, thành phố. Đây là bước đi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các đô thị trên địa bàn, tạo môi trường sống, sinh hoạt hiện đại, đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân; đồng thời, chủ động giải quyết vấn đề gia tăng dân số ở các đô thị trong tương lai.
Công tác quy hoạch mới được UBND tỉnh coi trọng và chỉ đạo các ngành chức năng triển khai một cách bài bản, khoa học nhằm đáp ứng sự phát triển đô thị trong tương lai nhưng bảo đảm không phá vỡ quy hoạch tổng thể, giữ gìn bản sắc văn hóa và các di tích lịch sử- văn hóa, tạo sự hài hòa trong quy hoạch tổng thể…
Với chủ trương trên, việc quy hoạch mới tập trung vào quy hoạch phát triển các khu đô thị: Khu đô thị sinh thái - du lịch gắn với công viên phía bắc thành phố Kon Tum; Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị Măng Đen, huyện Kon Plông... Quy hoạch phân bố, cải tạo và xây dựng các khu dân cư gắn với bố trí quỹ đất thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức; hình thành các thị tứ, điểm dân cư nông thôn kiểu mẫu trên địa bàn các huyện, thành phố.
Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, trật tự đô thị; tăng cường công tác lập lại trật tự, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; ban hành quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm giữa các ngành, các cấp trong công tác giải tỏa và xử lý việc lấn chiếm lòng lề đường, chợ tự phát, chợ cóc trên địa bàn phụ trách. Có kế hoạch bố trí ngân sách địa phương từ nguồn thu quản lý chợ và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện duy tu bảo dưỡng, nâng cấp chợ hiện có. Đồng thời, kêu gọi thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa để xây dựng các chợ đã có trong quy hoạch, nhằm tạo điều kiện để các hộ dân có nơi kinh doanh mua bán, hạn chế tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
|
Phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Về phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với đô thị - dịch vụ, tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, hình thành khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo tinh thần Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; đồng thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho phù hợp.
Mỗi huyện, thành phố đặt mục tiêu phát triển ít nhất một khu đô thị hoặc khu dân cư mới, riêng thành phố Kon Tum tập trung phát triển các khu đô thị đã được phê duyệt chủ trương quy hoạch hoặc đã cho chủ trương quy hoạch. Đối với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, tập trung phát triển các khu công nghiệp đã có mục tiêu rõ ràng (Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Sao Mai, Khu công nghiệp dược liệu theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Khu công nghiệp Đăk Tô…) và nghiên cứu phát triển các khu công nghiệp tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Tỉnh xác định, đẩy nhanh công tác đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo thứ tự ưu tiên. Trong đầu tư hạ tầng, bố trí không gian sản xuất khoa học, tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải và chất thải công nghiệp đảm bảo phát triển bền vững. Tăng cường quản lý sử dụng đất, tránh tình trạng giữ đất nhưng không thực hiện dự án của các nhà đầu tư.
Để có nguồn lực thực hiện, Ban quản lý Khu kinh tế tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Trước mắt tập trung đầu tư và thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp Hòa Bình, Khu công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 2) gắn với Cụm công nghiệp Thanh Trung II, Khu công nghiệp Sao Mai, Cụm công nghiệp Đăk La, Khu công nghiệp Bờ Y, Khu công nghiệp Đăk Tô.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, địa phương tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp có trình độ công nghệ cao, thân thiện môi trường; hình thành các khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn, vai trò quan trọng với vùng và toàn tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp địa phương đầu tư vào các cụm công nghiệp nhỏ được quy hoạch ở các huyện.
Trong quá trình thực hiện chỉnh trang, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, các địa phương nâng cao trách nhiệm và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành giải phóng mặt bằng từ cấp tỉnh đến cấp huyện; tập trung công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm, tích cực tháo gỡ khó khăn, giải quyết kịp thời các vướng mắc về cơ chế chính sách.
Văn Nhiên