Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại không nhỏ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Sở Công thương chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, khôi phục tăng trưởng trong và sau dịch.
Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương cho biết: Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do sức mua của người dân giảm, doanh thu giảm sút; trong khi tất cả các chi phí để duy trì ổn định hoạt động bán lẻ lại tăng, nhất là các chi phí lao động, hàng hóa, vận chuyển, môi trường… Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp cũng đứng trước nhiều thách thức, hoạt động sản xuất cầm chừng do không nhập được nguyên phụ liệu từ các nước đối tác, xuất khẩu gặp nhiều trở ngại, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Điển hình là mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị chững lại do các thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn hơn, thời gian thông quan kéo dài khiến cho công suất hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm từ 40-50% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu sang các nước Châu Âu và một số nước ở Châu Á cũng giảm đáng kể do tác động của dịch Covid-19 làm cho lượng tồn kho tăng cao, giá cả sụt giảm.
Nhằm giảm bớt những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ngành Công thương tỉnh thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.
|
Theo đó, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ 20 tỷ đồng không lãi suất cho Siêu thị Co.op mart dự trữ hàng hóa nhằm bình ổn giá cả và đảm bảo hàng hóa phục vụ cho người dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng và triển khai thực hiện phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho lực lượng biên phòng và người dân khu vực biên giới Lào và Campuchia tiếp giáp với tỉnh Kon Tum trước dịch bệnh Covid 19. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành liên quan nắm bắt tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh đề ra những chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện về nguồn nguyên liệu, cắt giảm, linh hoạt trong xử lý thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình đưa sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP vào các cửa hàng Việt trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, ngành Công thương tỉnh luôn bám sát và triển khai kịp thời các các văn bản, chính sách ưu đãi của Nhà nước; theo dõi, nắm chắc thông tin về thị trường xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu giáp với Trung Quốc trong thời điểm diễn ra dịch bệnh, cung cấp cho các doanh nghiệp để các đơn vị biết, chủ động triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhờ đó, dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm vẫn được duy trì tương đối ổn định. Trong đó, sản xuất công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh được duy trì, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,12% so với cùng kỳ năm 2019, một số sản phẩm chủ lực của tỉnh vẫn đảm bảo mức tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng đá xây dựng 68.377m3, giảm 41,10%; tinh bột sắn 122.303 tấn, tăng 1,73%; đường đạt 9.445 tấn, giảm 14,11%; gạch xây dựng bằng đất sét nung(trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 12,55 triệu viên, tăng 2,12%; điện sản xuất 398,11 triệu Kwh, tăng 8,99%. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên thị trường 4 tháng đầu năm tuy có giảm nhưng mức giảm không nhiều, ước tính đạt 5.709 tỷ đồng, giảm 1,13% so với cùng kỳ và đạt 25,4% so với kế hoạch.
Theo ông Lê Như Nhất, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng của ngành đã đề ra, qua đó góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020, việc khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh được ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt thời gian tới. Trong đó, ngành Công thương tỉnh sẽ thực hiện nghiêm túc, toàn diện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả. Sở Công thương cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; phối hợp và hỗ trợ thông quan hàng hoá được thuận lợi; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, tích cực tìm kiếm thị trường mới để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá; rà soát lại khối lượng nông sản các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trên địa bàn tỉnh từ nay cho đến cuối năm để điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Đồng thời, tập trung khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chế biến sâu; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước; tìm kiếm cơ hội kết nối cung cầu và tìm đầu ra cho sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành Công thương tỉnh tiếp tục phối hợp chặt với các ngành liên quan triển khai hỗ trợ, khuyến khích hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh như Co.op mart, Vinmart, Vincom... nhập và tiêu thụ hàng hoá nông sản.
Tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hoá, trong đó, tập trung kiểm soát tốt hàng hoá thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; xử lý nghiêm các vi phạm.
Với sự vào cuộc, hỗ trợ kịp thời của ngành Công thương tỉnh và sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc điều chỉnh kế hoạch, chiến lược kinh doanh, thay đổi kịch bản, hy vọng, các doanh nghiệp sẽ duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động. Qua đó, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Thùy Hương