Điều hành chi ngân sách hiệu quả
Điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để dành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu cần phải thực hiện ngay từ đầu năm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của UBND tỉnh, công tác quản lý, điều hành dự toán chi ngân sách được triển khai chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Riêng năm 2023, với tổng nhiệm vụ chi ngân sách địa phương là 14.304.232 triệu đồng (bao gồm dự toán chi ngân sách địa phương năm 2023 HĐND tỉnh giao; nhiệm vụ chi năm 2022 còn tiếp tục chuyển nguồn sang năm 2023; nhiệm vụ chi Trung ương bổ sung trong năm 2023), tỉnh ta đã thực hiện nhiệm vụ chi khoảng 11.968.000 triệu đồng, đạt 83,7% nhiệm vụ chi và bằng 128% so với cùng kỳ năm trước.
|
Trong đó, chi thường xuyên ước thực hiện 6.376.132 triệu đồng, đạt 101% nhiệm vụ chi, bằng 123% so với cùng kỳ năm trước. Chi đầu tư phát triển ước 4.921.000 triệu đồng, đạt 89% nhiệm vụ chi, bằng 129,3% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách (HĐND tỉnh) đánh giá, trong năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc điều hành ngân sách, chi ngân sách cơ bản bám sát dự toán, đáp ứng yêu cầu những nhiệm vụ chi quan trọng, cấp thiết, kịp thời rà soát, trình cấp thẩm quyền điều chỉnh dự toán, kế hoạch vốn cho phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế từng đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2023 còn một số hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục.
Đáng chú ý là tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt thấp, không đạt kế hoạch đề ra. Đến cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh giải ngân được 1.679,6 tỷ đồng, đạt 43,57% so với thực nguồn địa phương giao.
Một số đơn vị được giao dự toán kinh phí sự nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ chi từ đầu năm, nhưng đến cuối năm vẫn chưa triển khai thực hiện, giải ngân, phải trình cấp thẩm quyền cắt giảm, điều chuyển sang các đơn vị, địa phương khác.
Thậm chí, một số địa phương chậm trong việc triển khai thực hiện, giải ngân nguồn kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách huyện đã phân bổ từ đầu năm.
|
Những tồn tại, hạn chế này có thể gây lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật hành chính và hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước.
Dự toán chi ngân sách địa phương giao năm 2024 (bao gồm cả bội chi) là 10.702.624 triệu đồng, trong đó dự toán chi cân đối ngân sách địa phương (bao gồm cả bội chi) 8.361.291 triệu đồng; chi bổ sung mục tiêu nhiệm vụ cụ thể từ ngân sách Trung ương 2.341.333 triệu đồng.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đáp ứng yêu cầu quản lý, tiết kiệm chi, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, vấn đề đặt ra là phải tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ động hơn nữa trong việc điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để dành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị dự toán, các cấp ngân sách tổ chức điều hành chi ngân sách theo tiến độ nguồn thu và dự toán được giao; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm hiệu quả đúng định mức, chế độ quy định; hạn chế chuyển nguồn sang năm sau. Ưu tiên giải ngân các nguồn vốn được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài.
Chỉ đạo các chủ đầu tư được bố trí vốn tạm ứng, thanh toán tạm ứng vốn đầu tư và vốn ứng trước đúng quy định. Chỉ đạo việc quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn thuộc chương trình MTQG, thanh quyết toán đảm bảo đúng quy định.Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị địa phương được phân bổ triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, tuân thủ các quy định, hướng dẫn có liên quan của cơ quan cấp trên.
Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 249/UBND-KTTH ngày 23/1 chỉ đạo các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Trong đó yêu cầu tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, chủ động sắp xếp, triển khai các nhiệm vụ được giao phát sinh trong năm dự toán, hạn chế tối đa đề xuất bổ sung ngoài dự toán được giao, hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau.
Thực hiện cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để tăng cho đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội.
Nghiêm cấm việc quyết toán chi ngân sách nhà nước không có khối lượng, không đúng thủ tục. Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, bảo đảm tiết kiệm.
Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh việc xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí thất thoát tài sản công.
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mình theo đúng quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐCP và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Và đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
HỒNG LAM