Điều chỉnh giá điện: Minh bạch và cần thiết
Từ ngày 20/3/2019, Bộ Công thương chính thức điều chỉnh mức giá bán lẻ điện mới của năm 2019, với mức tăng 8,36% so với năm 2018, điều này nhằm góp phần giải tỏa gánh nặng cho ngành Điện khi những áp lực chi phí đầu vào liên tục tăng suốt thời gian qua. Mặc dù, việc điều chỉnh có những tác động nhất định đến người dân, nhưng ngành Điện đã có những đánh giá cụ thể, khách quan và chính xác nhằm đảm bảo quyền lợi của người dùng điện.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện dựa trên cơ sở giá bán than nội địa bán cho sản xuất điện, điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với than, điều chỉnh giá khí trong bao tiêu cho sản xuất điện cơ chế thị trường, phân bổ chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện. Sau khi tính toán các yếu tố đầu vào, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước chi phí mua điện năm 2019 khoảng tăng 20.000 tỷ đồng. Như vậy, giá điện bình quân năm 2019 sẽ ở mức 1.864,44 đồng/kWh, tương ứng mức 8,36% so với giá bán của năm 2018 và chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện thuộc các nhà máy điện.
Ngày 20/3/2019, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 648/QĐ-BCT về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện với mức tăng là 8,36%.
Đánh giá về tác động vĩ mô, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi thực hiện điều chỉnh giá bán điện thì CPI năm 2019 tăng khoảng 3,3 -3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%. Trong tháng 4, CPI tăng 0,31% so với tháng 3, trong đó, nhóm nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng, nhóm này chỉ tăng 0,6%.
Giá điện được điều chỉnh tăng, nhưng giá điện bậc thang vẫn được giữ nguyên nhằm đảm bảo về chính sách ưu đãi cho hộ nghèo và khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn. Phương án giá điện bậc thang hiện nay vẫn được nhiều người ủng hộ.
Theo số liệu thống kê năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, số hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng trở xuống là trên 9 triệu hộ, chiếm khoảng 35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt cả nước. Với giá bán lẻ điện bậc thang cho bậc 1 (từ 0 - 50 kWh) và bậc 2 (từ 51 – 100 kWh) được tính toán bằng 90% - 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hầu không có tác động gì nhiều tới các hộ nghèo, hộ có mức tiêu thụ điện thấp.
Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt ngày càng cao. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu xây dựng biểu giá điện bậc thang mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội.
Sau khi áp dụng mức giá bán lẻ điện mới, một số ý kiến của người dân phản ánh về việc tiền điện tăng bất thường vào tháng 4.
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ ngày 20/3-4/5, Tập đoàn nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện. Trong đó có 14.541 kiến nghị của khách hàng, thắc mắc về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện. Các thắc mắc của khách hàng được trả lời 100% thỏa đáng, các khách hàng đều hài lòng với kết quả giải quyết.
Tuy nhiên, để đảm bảo chính xác, minh bạch nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng dùng điện, từ ngày 08 – 10/5/2019, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành kiểm tra thực tế về tình hình sử dụng điện.
Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, trong tháng 4, nền nhiệt độ cả 3 miền đều tăng cao, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam, nhiệt độ trung bình toàn quốc tháng 4/2019 tăng 16% so với tháng 3 năm 2019 dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện của người dân tăng lên so với các tháng trước đó.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, trong tháng 4, tổng điện năng thương phẩm tăng 14,23% so với tháng 3/2019. Trong đó phụ tải quản lý, tiêu dùng (bao gồm sinh hoạt) tăng 21,03%.
Công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chữ số tính tiền điện, áp giá bán lẻ điện, phát hành hóa đơn và thanh toán tiền điện được cấp đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tuân thủ các quy định của Chính phủ.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là xuất phát từ các nguyên nhân là: Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện thêm 8,36% và một yếu tố nữa là kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019.
|
Đối với những ý kiến thắc mắc, phản ánh của khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; các đơn vị Điện lực đã chủ động liên hệ xử lý, giải thích cặn kẽ. Công tác phúc tra được các đơn vị thực hiện đúng quy định và đầy đủ 100% khách hàng có sản lượng từ 1,5 lần trở lên đến 2 lần. Vì vậy, các khách hàng đều thống nhất với những giải thích và giải quyết của ngành Điện.
Quả thực, đứng trên quan điểm của người tiêu dùng, việc tăng giá bán lẻ điện và việc hóa đơn tiền điện tăng lên là điều không ai vui, nhưng rõ ràng chúng ta cần khách quan, cần có cái nhìn thấu đáo, đây là điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích tổng thể của toàn xã.
Để hạn chế ảnh hưởng của tăng giá điện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người dân, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, đổi mới trang thiết bị; người dân cần xây dựng ý thức sử dụng điện tiết kiệm, thay thế các thiết bị điện tiêu hao năng lượng lớn, sử dụng nguồn điện tái tạo…
Trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với khách hàng điện sinh hoạt, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng và phát triển thị trường điện với mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2021.
Thiên Hương