Điện, xăng tăng giá - Hàng hoá nhấp nhổm tăng theo
Điện tăng giá bình quân 8,36%, xăng tăng giá từ 1.377 - 1.484 đồng/lít. Chi phí đầu vào trong sản xuất, kinh doanh của không ít loại hàng hóa tăng cao, nhiều mặt hàng theo đó đồng loạt “rủ nhau” tăng giá, khiến người dân lo ngại thị trường hàng hoá sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.
Ngày 20/3, Bộ Công thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 1.720 đồng/kWh lên mức 1.864,44 đồng/kWh, tăng 8,36% (chưa bao gồm thuế VAT). Cụ thể, giá bán điện cho nhóm sản xuất tăng 7,51%, nhóm cơ quan hành chính sự nghiệp tăng 8,36%, nhóm kinh doanh dịch vụ tăng 8,35% và nhóm bán lẻ điện sinh hoạt tăng 8,37%.
Điện là yếu tố đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh... Vì vậy, giá điện tăng sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng lên, do đó giá thành sản phẩm hàng hoá sẽ khó tránh khỏi việc tăng theo.
Ngay tại tỉnh ta, theo đánh giá của Công ty Điện lực Kon Tum, sản lượng điện tiêu dùng cho sản xuất công nghiệp chiếm tới 43,37% tổng sản lượng điện tiêu dùng của toàn tỉnh. Việc điều chỉnh giá điện lần này tác động lớn đến khách hàng sản xuất lớn là các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, mía đường... Chẳng hạn, Nhà máy cồn và chế biến tinh bột sắn Đăk Tô, nếu tính theo mức giá mới thì chi phí tiền điện sẽ tăng khoảng 946,8 triệu/năm, Công ty TNHH tinh bột sắn Tây Nguyên – Đăk Hà sẽ tăng khoảng 629 triệu/năm, Công ty TNHH Cao su Đại Lợi Kon Tum sẽ tăng thêm khoảng 139 triệu/năm... Như vậy, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể, buộc các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh về giá thành sản phẩm để đảm bảo doanh thu, lợi nhuận.
Trên thị trường, ngay sau khi mức giá bán điện vừa mới được công bố, có những mặt hàng ngay lập tức được điều chỉnh giá. Chẳng hạn, giá sắt thép xây dựng bán ra tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn, xi măng tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn...
Giá điện tăng chưa bao lâu thì từ 17h ngày 2/4, mỗi lít xăng E5 RON 92 cũng được điều chỉnh tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 1.086 - 1.219 đồng mỗi lít, kg (tuỳ loại) gây tác động kép tới giá cả hàng hoá, dịch vụ.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum như chợ Trung tâm thương mại, chợ Duy Tân, giá bán lẻ một số mặt hàng đã tăng nhẹ so với thời điểm cuối tháng 3. Cụ thể, giá thịt bò ở mức 230.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt gà ta bán ra khoảng 155.000 - 160.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg, các loại thuỷ hải sản cũng tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, tuỳ loại...
|
Các tiểu thương cho biết, giá xăng, dầu tăng khiến cho giá cước vận chuyển hàng hoá sẽ tăng lên, các nhà phân phối tăng giá hàng hoá buộc người buôn bán cũng phải bán nâng giá lên. Mỗi khâu tăng một ít đến khi hàng hoá tới tay người tiêu dùng được đẩy giá lên rất cao.
Có thể nói, việc giá điện, xăng tăng, người tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp là phải trả chi phí tăng thêm hàng tháng, hàng ngày. Nhưng đồng thời, điều này cũng khiến người dân phải chịu sức ép gián tiếp do giá hàng hóa tăng theo.
Chi phí sản xuất tăng, chi phí vận chuyển tăng, việc giá cả hàng hoá tăng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều mà người dân lo ngại hơn đó là việc các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ mượn cớ “té nước theo mưa” đẩy giá hàng hoá lên cao. Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế việc hàng hoá tăng giá ồ ạt và bất hợp lý.
Ngọc Thắng