Diện mạo mới trên vùng đất ngàn thông
Một ngày cuối năm 2018, chúng tôi tìm về vùng đất ngàn thông Kon Plông - nơi gợi sự tò mò cho bất cứ ai khi nghe về nó. Ngoài những câu chuyện kể về “bảy hồ, ba thác”, truyền thuyết về vùng đất T’Măng Deeng (Măng Đen), những câu chuyện về tâm linh, Kon Plông còn có những cánh rừng nguyên sinh, những cánh rừng thông bạt ngàn trong gió, với sương mù, hơi lạnh và mây bay chập chùng gợi lên bao điều quyến rũ.
Măng Đen nằm giữa hai con đèo ngoạn mục là đèo Violăk và đèo Măng Đen. Hiện nay, khách du lịch có thể đến với Kon Plông bằng nhiều tuyến đường gồm Quốc lộ 24, Tỉnh lộ 676, đường Đông Trường Sơn. Nhưng đi từ những ngả đường nào, du khách cũng đều ngỡ ngàng trước cảnh quan rừng thông thuần loại, mọc san sát cả trên những vách núi; rừng thông nối tiếp rừng thông.
Thông hiện diện bên suối, hồ, bên ghềnh thác. Thông ôm ấp nhiều ngôi biệt thự; tôn vẻ thâm nghiêm cho chùa Khánh Lâm. Thông len lỏi đến những nếp nhà sàn Đăk Tăng, Măng Bút; che chở cho những khu vườn rau, hoa Măng Cành tươi đẹp bốn mùa; giữ sương cho khu du lịch sinh thái Măng Đen và làm cho đại ngàn Kon Plông mãi trong xanh…
|
Ngàn thông Măng Đen cùng đại ngàn Kon Plông đã tạo cho vùng đất này có tiềm năng rất lớn về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước… Nơi đây vừa có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái; vừa có thể phát triển nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, phát triển thủy điện.
Ngoài ra, Kon Plông còn nằm giữa con đường nối “đôi bờ hy vọng” trên hành lang kinh tế Đông-Tây của khu vực Đông Nam Á. Nếu xuôi về phía Đông Trường Sơn sẽ kết nối hành trình khám phá miền Trung với các đô thị, cảng biển hiện đại; nếu ngược về phía Tây Trường Sơn với Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y-Phu Cưa, cửa ngõ mở ra sẽ chạm vào con đường liên Á. Vùng đất Kon Plông đang tỏa sáng với những tiềm năng và triển vọng đầu tư.
Ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Trên cơ sở quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, huyện Kon Plông tiến hành triển khai tạo nguồn đất sạch, thực hiện nhiều chính sách theo quy định của Trung ương để thu hút đầu tư. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, địa phương thu hút được 96 dự án, trong đó có 25 dự án du lịch sinh thái; 49 dự án rau, hoa xứ lạnh; 3 dự án cá nước lạnh thương phẩm và 19 dự án khác, với tổng vốn đăng ký đầu tư 18.321.520 tỷ đồng. Trong số các dự án này, có 69 dự án đã triển khai và đi vào hoạt động. Sản phẩm chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao rau, hoa, quả xứ lạnh và các loại dược liệu, du lịch sinh thái, thủy điện...
Trong năm 2019 và các năm tiếp theo, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào địa bàn như phát triển du lịch; phát triển rau, hoa, quả xứ lạnh; trồng và chế biến dược liệu trên địa bàn. Trong thu hút đầu tư, huyện thực hiện tốt các quy trình, quy định về giải quyết thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành tiếp tục rà soát các dự án đã được cấp phép đầu tư vào địa bàn; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện; kiên quyết thu hồi, xử lý đối với các dự án không triển khai, triển khai chậm tiến độ so với cam kết... Ông Đặng Thanh Nam cho biết thêm những định hướng tương lai của địa phương.
Từ một vùng đất hoang hóa, đầy hố bom và xác đạn, cơ sở hạ tầng yếu kém, sau hơn 43 năm đất nước thống nhất và 17 năm thành lập lại huyện, đến nay trung tâm huyện lỵ Kon Plông đã trở thành một đô thị mở, với nhiều công trình công cộng được xây dựng. Tất cả các xã trong huyện đều có đường ô tô đến được trung tâm, bất kể các mùa. Các con đường huyết mạch được bê tông hóa, nhựa hóa cứ dần nối về các xã vùng sâu, vùng xa. Khi giao thương được rộng mở, việc trao đổi, mua bán hàng hóa nông sản của người dân vùng sâu, vùng xa được thuận hơn, ít bị chèn ép về giá cả. Cùng với đó, hàng loạt các công trình như điện, trạm y tế, thủy lợi cũng theo đường đến gần với người dân...Trong tháng 3/2018, huyện tiếp tục đưa hai công trình chợ Kon Plông và Bến xe khách vào sử dụng.
Cơ sở hạ tầng phát triển tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên kết các điểm trong khu vực Măng Đen - Kon Plông và liên kết du lịch trong khu vực Tây Nguyên cũng như đến các trung tâm du lịch cả nước như Đà Nẵng, Huế, Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn trong 10 tháng năm 2018 là 85.500 lượt: Khách nội địa: 78.500 lượt; khách nước ngoài: 7.000 lượt, doanh thu đạt khoảng 86 tỷ đồng.
|
Vào những ngày này, người dân Kon Plông đang háo hức đón chào xuân Kỷ Hợi với những niềm vui mới, thắng lợi mới. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt 1.098,4 tỷ đồng, bằng 102,6% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế nông, lâm, thủy sản: 23,9%; công nghiệp - xây dựng: 51%; thương mại - dịch vụ: 25,1%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ hơn 68% năm 2010 đến cuối năm 2018 còn 32,55%. Đặc biệt, người dân rất phấn khởi khi kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập thị trấn Măng Đen trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Đăk Long.
Kon Plông đang chuyển mình thay da đổi thịt từng ngày. Một diện mạo mới, một sức sống mới đang hiện hữu. Với cách làm mới của chính quyền địa phương, với sự đồng lòng của người dân, huyện Kon Plông đang từng bước phát huy thế mạnh để “đánh thức” vùng đất đầy tiềm năng này.
Lê Sang