Dịch bệnh không “nghỉ ngơi”
Tôi ám ảnh mất mấy ngày khi nhìn những bức hình tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi của một gia đình ở huyện Ngọc Hồi ngày 17/6.
Cuối tháng 5/2020, qua theo dõi tình hình, tôi phát hiện ra rằng, trong báo cáo của các địa phương đều có chung một đánh giá: Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn đã được khống chế và dập tắt.
Lẽ dĩ nhiên, đây là tin vui với bất cứ ai. Nhưng cũng thật đáng ngại khi cùng với đó là những dấu hiệu buông lỏng cảnh giác ở một số nơi. Đầu tháng 6, sau khi thông báo địa phương đã được công bố hết dịch tả lợn Châu Phi, anh bạn làm cán bộ xã hớn hở nói “đã có thể nghỉ ngơi xả hơi được rồi”.
Nhưng dịch bệnh không hề “nghỉ ngơi” và có thể tái xuất bất cứ khi nào.
Bằng chứng là các huyện, thành phố hân hoan thông báo khống chế và dập tắt hoàn toàn dịch tả lợn Châu Phi chưa lâu, thì ngày 15/6, cơ quan chức năng huyện Ngọc Hồi nhận được tin báo của gia đình ông Đinh Văn Đ. (thôn Ngọc Tặng, xã Đăk Kan) về việc đàn lợn 25 con có biểu hiện ốm, chết. Ngay sau đó, mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng 5, tỉnh Đăk Lăk.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi.
|
Đến sáng 17/6, UBND xã Đăk Kan phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh nói trên; đồng thời, cấp hóa chất, vôi bột để tiến hành phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại tại hộ gia đình ông Đinh Văn Đ. và khu vực lân cận.
UBND huyện Ngọc Hồi cũng đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn trong huyện thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi gần nơi xuất hiện dịch; đồng thời tăng cường công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng buôn bán lợn nhiễm bệnh; khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
25 con lợn, với tổng trọng lượng hơn 1,5 tấn bị chôn lấp, kéo theo đó là bao nhiêu công sức, mồ hôi và hy vọng thành công cốc, “khổ chủ” trắng tay “trong một nốt nhạc”- như cách nói thịnh hành của giới trẻ.
Chủ nhà đứng bần thần nhìn dãy chuồng trại trống không. Cán bộ thú y đang hướng dẫn rải vôi bột; phun thêm hóa chất ở khu vực xung quanh. Mới mấy ngày trước thôi, cả nhà dồn vào chăm bẵm đàn lợn đang kỳ lớn, “đẹp như tranh”, mong ngóng đến ngày xuất chuồng.
Giá lợn hơi đang ở mức cao, tôi hy vọng sẽ có thêm lợi nhuận để tăng đàn, ai ngờ lại bị dịch bệnh “cướp” đi. Hôm đoàn chống dịch của xã đem lợn đi tiêu hủy, vợ chồng bần thần nhìn, không dám đi theo, vì “sợ trông thấy rồi sẽ buồn thêm”- chủ nhà than, mặt méo xẹo.
Tôi cũng ám ảnh mất mấy ngày khi nhìn những bức hình chụp cảnh tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh của gia đình anh.
Ổ dịch tại thôn Ngọc Tặng phá vỡ chuỗi ngày yên bình ngắn ngủi, và dù đã được khống chế kịp thời, nhưng cũng cho thấy dịch tả lợn Châu Phi không bị dập tắt triệt để mà chỉ tạm lắng một thời gian, vẫn "ẩn nấp" đâu đó, sẵn sàng tấn công đàn lợn vốn ít ỏi. Đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các địa phương.
Trước khi tạm lắng, dịch tả lợn Châu Phi đã có một thời gian dài hoành hành trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, các hộ gia đình; tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
|
Được phát hiện đầu tiên trên đàn lợn tại khu chăn nuôi của Chi nhánh Công ty 716, Binh đoàn 15, thuộc địa bàn thôn 1, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai vào cuối tháng 5/2019, dịch tả lợn Châu Phi nhanh chóng lan ra các địa phương khác. Đến cuối tháng 5, theo báo cáo của UBND tỉnh, đã có 7.390 con lợn (tổng trọng lượng hơn 340,33 tấn) của 1.358 hộ chăn nuôi ở 175 thôn, làng thuộc 62 xã, phường/10 huyện, thành phố bị tiêu hủy.
Dịch bệnh quét qua, khiến hành trình từ cận nghèo đến nghèo của nhiều hộ gia đình nhanh như một cơn mơ, một cơn gió, một cái phủi tay. Bởi có bao nhiêu vốn liếng, kể cả vốn vay ngân hàng, đều đổ vào đàn lợn, loáng cái mất hết.
Theo các chuyên gia chăn nuôi, nguyên nhân chính tái phát dịch là do hộ chăn nuôi tái đàn ở khu vực từng là ổ dịch tả lợn Châu Phi, trong khi đó, vi rút gây bệnh chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ngoài môi trường.
Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết mưa, nắng thất thường và tình trạng giết mổ gia súc nhỏ lẻ chưa được kiểm soát chặt chẽ cũng tạo điều kiện cho mầm bệnh có cơ hội phát sinh. Cũng không loại trừ nguyên nhân một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn giữ thói quen tận dụng, sử dụng thức ăn dư thừa, không áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, không để lây lan ra diện rộng, ngày 17/6, UBND tỉnh đã chỉ đạo xuất vắc xin, hóa chất, vật tư phòng dịch tả lợn Châu Phi cho huyện Ngọc Hồi và các địa phương khác từ nguồn Trung ương hỗ trợ và nguồn ngân sách tỉnh (đang được lưu giữ tại kho Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT).
Tiếp đó, ngày 18/6, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì, phối hợp với UBND huyện Ngọc Hồi và các đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo kiểm tra và triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, tập trung các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức tiêm phòng vắc xin và tiêu độc, khử trùng vùng dịch và các vùng đệm đảm bảo theo quy định.
Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn trong chăn nuôi, vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
UBND các huyện, thành phố phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn; tăng cường giám sát chặt chẽ địa bàn, giám sát đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện lợn có các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh tả lợn Châu Phi, hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi; hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để chủ động trong công tác phòng chống dịch; vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch.
Kinh nghiệm chống dịch trong thời gian qua cho thấy, tinh thần chống dịch quyết liệt của chính quyền các cấp và ngành chức năng, ý thức phòng bệnh của người dân sẽ là giải pháp hiệu quả nhằm khống chế, ngăn chặn không để dịch tả lợn Châu Phi tái phát, lan rộng, bảo vệ an toàn đàn lợn trên địa bàn tỉnh.
Và điều quan trọng nhất là không được chủ quan, bởi dịch bệnh không “nghỉ xả hơi” như một số người vẫn nghĩ.
Hồng Lam