Để “cánh đồng lớn” thật sự “lớn”
Dồn đổi, tích tụ đất đai để hình thành “cánh đồng lớn” là hướng đi tất yếu để nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững. Và trên thực tế, sau 3 năm triển khai (2017-2020), chủ trương này đã có những tác động tích cực tới sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để “cánh đồng lớn” thật sự “lớn” vẫn cần những nhóm giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn.
Trong mấy ngày qua, tôi thường trăn trở về cuộc trò chuyện với một nông dân ở xã Đăk La (huyện Đăk Hà).
Ông phàn nàn rằng, mấy khoảnh ruộng ở cánh đồng thôn 9 (xã Đăk La) khó “làm ăn” quá. Nắng thì khô hạn, đất đai cứng lại, bập cuốc xuống lại nảy lên, nhưng hễ mưa xuống thì úng ngập, cây trồng thối rễ hết. Mấy mùa trước, theo vận động của xã, ông đã từng thử chuyển đổi từ trồng lúa sang mì, nhưng cũng thất bại vì gặp mưa, mì chết úng hết.
Tháng 5/2017, tôi rất mừng khi nghe tin Công ty cổ phần Đường Kon Tum phối hợp với xã triển khai dự án “Cánh đồng mía lớn” ứng dụng công nghệ cao. Với việc công ty sẽ thuê quyền sử dụng đất của bà con trong thời gian 20 năm, ít nhất nông dân có nguồn thu, lại không lo lãng phí đất. Nhưng sau một thời gian rục rịch, mọi chuyện lại chìm vào im lặng - ông kể.
Và cho đến nay, người nông dân này vẫn đang loay hoay tìm hướng đi để sử dụng có hiệu quả mấy khoảnh đất nằm rải rác này. Ông cho biết, nếu có thể dồn đổi lại thành một diện tích lớn, hoặc có doanh nghiệp thuê để xây dựng “cánh đồng lớn”, từ đó khai thác hiệu quả quỹ đất, đôi bên cùng có lợi thì sẽ “đồng ý cả 2 tay”.
|
Từ câu chuyện trên cho thấy, quá trình tích tụ đất đai diễn ra chậm, quỹ đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Không thể phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao nếu vẫn giữ nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Vì vậy, thực hiện dồn đổi, tích tụ đất đai là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Từ tháng 3/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 176/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020.
Theo số liệu từ UBND tỉnh, 3 năm qua, các ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ chủ trương, chính sách về dồn đổi, tích tụ đất đai; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với người dân để ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã xây dựng 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất; đã hình thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao từ giống, canh tác, cơ giới hóa, quản lý và hình thành chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao... Tổng diện tích thực hiện là 394ha với 675 hộ gia đình và 2 cộng đồng dân cư tham gia.
Dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; khai thác, sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả tài nguyên đất đai. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng lợi thế, có thị trường tiêu thụ của tỉnh.
Đây cũng là nền tảng để tỉnh Kon Tum chuyển nhanh hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn nhằm hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm giá trị cao có sự liên kết, hợp tác giữa nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, tạo tiền đề cho một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững. Đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất đai, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
Việc xây dựng thành công mô hình cánh đồng lớn trồng bắp sinh khối ở xã Măng Bút, huyện Kon Plông là một ví dụ. Được sự vận động của chính quyền, người dân dồn đổi ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn trồng bắp lấy thân với diện tích 78,56ha. Công ty cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen thu mua sản phẩm làm thức ăn gia súc với giá cả hợp lý; thu nhập bình quân/ha tăng từ 10-12 triệu đồng.
|
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất gặp không ít khó khăn. Trước hết, đây là chủ trương lớn và phức tạp, nên các địa phương còn lúng túng trong triển khai. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết phải tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ở trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, hầu hết đã được giao quyền sử dụng cho hộ gia đình. Có những địa phương, như Tu Mơ Rông, Ia H’Drai, Sa Thầy... gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định diện tích đất nông nghiệp thực hiện dồn đổi, tích tụ bởi địa hình phức tạp, đất đai manh mún, hoặc đã giao cho doanh nghiệp trồng cao su, cà phê.
Nhưng khó khăn nhất vẫn là bà con nông dân chưa hiểu rõ mục đích, phương pháp tích tụ nên “sợ mất đất”, có tâm lý cố giữ lấy ruộng đất. Đơn cử như chuyện xây dựng cánh đồng mía lớn ở xã Đăk La của Công ty cổ phần Đường Kon Tum thất bại, nguyên nhân chủ yếu là do bà con không muốn cho doanh nghiệp thuê đất vì “sợ mất đất”, dù cán bộ xã, huyện và doanh nghiệp đã tổ chức họp dân rất nhiều lần, nhưng chỉ có rất ít người đồng tình.
Ở một số địa phương đã hình thành “cánh đồng lớn” lại nảy sinh vấn đề ngay trong mối liên kết. Thực tế cho thấy, ở những mô hình này mới chỉ dừng lại ở mức liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp, còn về đất đai vẫn thực hiện theo từng thửa đất của từng chủ thể sử dụng đất khác nhau, chưa thực hiện việc dồn đổi, tích tụ đúng nghĩa.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trong thời gian tới, cần phải đổi mới liên kết, trong đó chú trọng hai chủ thể chính là nông dân và doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp không chỉ cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, mà phải xác định rõ mối quan hệ đôi bên cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro. Về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã nông nghiệp đủ mạnh để vừa bảo đảm quyền lợi cho nông dân, vừa trở thành "đầu mối giao dịch" với doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp khi phải tham gia ký hợp đồng liên kết với từng nông hộ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn cho doanh nghiệp khi tham gia mô hình “cánh đồng lớn”. Bởi khi tham gia mô hình này, doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn về tài chính trong những đợt thu mua sản phẩm; đầu tư giống, phân bón, cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển...
Mặt khác, không thể dựa hết vào doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, mà từng địa phương cần có kế hoạch cụ thể trước.
Ví dụ, địa phương xác định vùng quy hoạch cánh đồng lớn; tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ về sự cần thiết hình thành cánh đồng lớn trong sản xuất nông nghiệp, sau đó mới đến bước kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Còn như hiện nay, doanh nghiệp phải chủ động thực hiện ngay từ khâu khảo sát quỹ đất, khoanh vùng và vận động nông dân thì sẽ dễ bị phân tán nguồn lực, dễ dẫn đến khủng hoảng nguồn lực, không đủ sức kham hết các hoạt động xây dựng “cánh đồng lớn”.
Và trên hết, cần giúp nông dân xua tan những bất an về sản xuất và thu nhập khi tham gia vào quá trình tích tụ, dồn đổi đất đai để hình thành “cánh đồng lớn”.
Có như vậy, “cánh đồng lớn” mới thực sự “lớn”.
Hồng Lam