Đẩy mạnh dịch vụ không dùng tiền mặt
Xác định tăng cường các dịch vụ ngân hàng điện tử là một trong những hoạt động trọng tâm, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục hiện đại hóa các dịch vụ, đẩy mạnh các kênh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó tăng năng lực cạnh tranh và thu hút khách hàng…
Hiện nay, toàn tỉnh có 8 ngân hàng thương mại đang thực hiện phối hợp với cơ quan thuế triển khai thu thuế điện tử qua ngân hàng; 5 ngân hàng thương mại phối hợp thu tiền điện, nước, viễn thông trên địa bàn thành phố Kon Tum; 3 ngân hàng thương mại phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và 2 ngân hàng thương mại triển khai phối hợp thu tiền học phí tại trường đại học và cao đẳng trên địa bàn.
Về chương trình nộp thuế điện tử, các ngân hàng thương mại tiến hành triển khai cho hơn 750 doanh nghiệp và phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc thu hồi nợ thuế thông qua tài khoản của doanh nghiệp nợ thuế theo quy định pháp luật.
Tổng giá trị thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công trên địa bàn có sự tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, đến nay, giao dịch thanh toán dịch vụ công đạt 225.821 món/1.690,47 tỷ đồng, tăng 36.547 món /36,547 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Trong đó, cao nhất là dịch vụ thu, nộp thuế, đạt 1.487,343 tỷ đồng, tăng 53,4% so với cuối năm 2017; dịch vụ thanh toán hóa đơn định kỳ (tiền điện, nước, viễn thông) đạt 186,437 tỷ đồng; thu tiền học phí đạt 2,401 tỷ đồng; chi trả lương qua tài khoản và chi trả an sinh xã hội qua tài khoản của khách hàng đạt 14,289 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Phong Lưu - Giám đốc Điện lực thành phố Kon Tum cho biết: Hiện đơn vị có 23.555 khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng, chiếm tỷ lệ 45,18%. Điện lực Kon Tum đang tiếp tục phối hợp với các ngân hàng và tổ chức trung gian kết nối nhằm triển khai phương thức thanh toán hiện đại này, giúp khách hàng về thủ tục đăng ký và phương pháp thanh toán nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian…; đồng thời giúp đơn vị tiết kiệm nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và chăm sóc tốt khách hàng.
Nhiều cửa hàng kinh doanh thương mại, dịch vụ đã áp dụng thiết bị chấp nhận thẻ POS (Point of Sale- máy chấp nhận thanh toán thẻ, kết nối Internet với ngân hàng) trong giao dịch.
|
Có thể nói việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp cho khách hàng thực hiện các giao dịch trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ (tiền điện, nước, viễn thông, học phí), chi trả lương, nhận trợ cấp từ Bảo hiểm xã hội được nhanh chóng, chính xác, kịp thời, tiết kiệm thời gian.
Tuy nhiên, đến nay, việc mua bán, thanh toán các dịch vụ không dùng tiền mặt trên địa bàn vẫn còn khiêm tốn. Quá trình triển khai việc thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn; phạm vi triển khai chủ yếu tập trung trên địa bàn thành phố Kon Tum, với nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp. Hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chưa triển khai lắp đặt các thiết bị chấp nhận thẻ tại các đơn vị như kho bạc nhà nước, bệnh viện, trường học, cơ quan thuế..., vốn là những nơi thường diễn ra các hoạt động giao dịch tài chính và đã kết nối internet. Hơn nữa, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân trên địa bàn còn phổ biến; thêm vào đó là tâm lý e ngại vấn đề đảm bảo an ninh an toàn khi thanh toán điện tử…
Ông Hoàng Minh Tân- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Kon Tum cho biết, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn có nhiều nỗ lực trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng đã đưa vào nhiều phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán. Trong đó, thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng phổ biến nhất trong giai đoạn hiện nay.
Cũng theo ông Hoàng Minh Tân, để thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội) theo Kế hoạch số 1559/KH-UBND ngày 18/6/2018 của UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn phối hợp với các ngành, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án; mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về không sử dụng tiền mặt trong giao dịch với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm khách hàng, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ người dân tại khu vực vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt- ông Hoàng Minh Tân nhấn mạnh.
Dương Lê