Đẩy mạnh chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
Thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum (gọi tắt là OCOP), giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”, từ năm 2018 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực tìm kiếm, lựa chọn, xây dựng các sản phẩm đặc trưng. Việc thực hiện chương trình OCOP đang mở ra hướng phát triển và nâng tầm giá trị các sản phẩm địa phương, góp phần tạo chuyển biến về kinh tế ở khu vực nông thôn.
Chương trình OCOP có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn. Vì vậy, thực hiện Chương trình OCOP sẽ góp phần thúc đẩy, phát huy sáng tạo cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, đồng thời tạo điều kiện để các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, là cơ hội tốt đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất với tiêu thụ.
Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, các cấp, các ngành của tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện; các địa phương tích cực lựa chọn, xác định những sản phẩm chủ lực, có lợi thế của mình. Trên cơ sở đó, ngày 12/12/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1392/QĐ-UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”.
Theo Đề án, từ năm 2018-2030, các địa phương trong tỉnh tập trung phát triển 138 sản phẩm đặc trưng, trong đó, có 108 sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu, 10 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng như may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí, 14 sản phẩm du lịch... Riêng trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh tập trung hoàn thiện tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giữa hộ sản xuất, tổ hợp tác với hợp tác xã và doanh nghiệp gắn với phát triển 29 sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh từ các sản phẩm quy hoạch. Trong đó, tỉnh ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, phát triển 2 sản phẩm là đảng sâm và sâm Ngọc Linh đạt tiêu chí sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.
|
Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian qua, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chương trình OCOP. Từ đó, các chủ thể sản xuất và người dân ngày càng hiểu hơn về chương trình này nên đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng các chuỗi liên kết giá trị, đầu tư chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có chất lượng, từng bước tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 2 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, phân hạng và công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao, 17 đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh, so với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, số lượng sản phẩm đạt tiêu chí OCOP còn thấp. Các sản phẩm có mức điểm đạt theo các tiêu chí chưa cao, phần lớn mới dừng lại ở những tiêu chí như sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương; nguồn gốc ý tưởng dựa trên sản phẩm truyền thống; sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và sử dụng nguồn lao động địa phương. Đối với các tiêu chí về tổ chức sản xuất, tiếp thị sản phẩm và chất lượng sản phẩm thì còn hạn chế.
Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2018-2020, trong năm nay, Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, chủ thể thực hiện nhiệm vụ phát triển sản phẩm OCOP chủ lực từ đảng sâm và Sâm Ngọc linh đảm bảo chuẩn hoá theo tiêu chí OCOP, phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP quốc gia. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên; lựa chọn những sản phẩm được hội đồng tư vấn, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 90 đến 100 điểm để đề nghị đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) vào cuối năm 2020. Xây dựng, áp dụng các phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ công tác quản lý đối với các sản phẩm OCOP trong thời điểm hiện nay.
Ngoài ra, song song với việc củng cố, kiện toàn các chủ thể đã tham gia chương trình OCOP, Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương tìm kiếm, phát triển thêm các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình này.
Rõ ràng, chương trình OCOP đang thổi một luồng gió mới vào khu vực nông thôn, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất của người dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và mục tiêu giảm nghèo bền vững tại các địa phương. Việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng mỗi xã một sản phẩm trong năm nay có ý nghĩa quyết định đến mục tiêu của cả giai đoạn 2018 – 2020, từ đó, tạo tiền đề, động lực để tỉnh ta tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Thùy Hương