Dấu ấn từ thu hút đầu tư
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích, tạo mọi điều kiện, tích cực hỗ trợ cho nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn là những việc làm luôn được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, các huyện thành phố quan tâm nhằm thu hút các nhà đầu tư đến địa bàn. Những việc làm đó đã tạo niềm tin các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến với Kon Tum.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư. Đồng thời, chủ động làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư trên địa bàn tỉnh thông qua việc duy trì Chương trình đối thoại với doanh nghiệp 2 lần/năm và chương trình cà phê doanh nhân định kỳ hằng tháng.
|
Dưới sự chỉ đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm xúc tiến đầu tư đã chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị một dự án đầu tư nhằm thu hút, triển khai các dự án trên địa bàn. Thường xuyên cập nhật thông tin, hoàn thiện lại cơ sở dữ liệu về tiềm năng, pháp luật, kinh tế - xã hội, chính sách, thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, các quy hoạch đăng lên trang website ipckontum.gov.vn và các trang thông tin điện tử các đơn vị để cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin cho nhu cầu khai thác tìm hiểu cơ hội đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, trong 3 năm qua, công tác thu hút đầu tư đã đạt được những kết quả khả quan, thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, uy tín đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và một số dự án thương mại dịch vụ. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, có 124 dự án đầu tư được cấp phép với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 25.310 tỷ đồng nâng tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh lên 505 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 86.964 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 141.608ha. Riêng trong năm 2023, đã thu hút 9 dự án đầu tư (ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế) với tổng vốn đăng ký khoảng 1.560 tỷ đồng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 368 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh với tổng vốn đăng ký đạt 42.592 tỷ đồng; 74 dự án đang trong quá trình triển khai đầu tư với tổng vốn đăng ký 25.649 tỷ đồng; 58 dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý với tổng vốn đăng ký 18.723 tỷ đồng. Các dự án đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh và tạo việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
|
Là 1 trong 2 vùng kinh tế động lực của tỉnh, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Kon Plông đã tập trung lãnh đạo cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về đầu tư xây dựng và phát triển các khu kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, huyện chú trọng đẩy mạnh cải thiện đầu tư, xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh để thu hút các nhà đầu tư đến địa bàn. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, phối hợp các sở ngành hướng dẫn các nhà đầu tư tìm hiểu và lập các dự án đầu tư vào địa bàn, kịp thời lắng nghe, giải quyết, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư. Nhờ đó, đến nay, Kon Plông đã thu hút 77 dự án đầu tư, với tổng diện tích đăng ký 5.061,7ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 30.311,9 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là các dự án lĩnh vực nông, lâm nghiệp (có 41 dự án), dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng 26 dự án và dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch có 7 dự án.
Còn tại huyện Đăk Tô, theo ông Đặng Quang Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện, dù không phải là vùng kinh tế động lực nhưng với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác thu hút đầu tư đã thu được những kết quả bước đầu khích lệ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Đăk Tô thu hút 14 dự án đầu tư vào địa bàn huyện được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 386,6 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã giới thiệu địa điểm, cung cấp thông tin có liên quan cho 18 nhà đầu tư với 20 dự án đầu tư để làm cơ sở trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cho chủ trương tiến hành khảo sát, nghiên cứu đầu tư trên địa bàn huyện.
Tại huyện Tu Mơ Rông, dù là huyện nghèo nhưng lại có tiềm năng thế mạnh về dược liệu, du lịch nên luôn chủ động, khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư tại huyện. Với các thủ tục, huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan tạo thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận cơ hội đầu tư và thực hiện đầu tư dự án trên địa bàn.
Nhờ đó, đến nay, đã có gần 30 doanh nghiệp đến khảo sát, tìm hiểu, xúc tiến đầu tư. Trong đó, có một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Sun Group, Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Thắng Lợi, Công ty TNHH Chăn nuôi công nghệ cao Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom), Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Start; Công ty TNHH Capella Group đến tìm hiểu, khảo sát đầu tư. Một số doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư và hiện có hơn 10 doanh nghiệp đã, đang làm dự án đầu tư trong lĩnh vực dược liệu, du lịch và chăn nuôi.
Phải khẳng định rằng, những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự tích cực, chủ động, thiện chí của các sở, ngành, chính quyền địa phương, công tác thu hút đầu tư đã thu được kết quả đáng khích lệ, góp phần vào thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong công tác thu hút đầu tư, thời gian tới, tỉnh ta đẩy mạnh hệ thống hóa, số hóa các số liệu, dữ liệu về các quy hoạch, môi trường đầu tư, các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai... nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư; chủ động tiếp xúc, làm việc với nhà đầu tư; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại doanh nghiệp; đa dạng các kênh thông tin, nắm bắt nhanh chóng tình hình doanh nghiệp, nhà đầu tư, khu vực dân doanh để có các giải pháp kịp thời hỗ trợ; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, đầu tư trên địa bàn.
Phúc Nguyên