Đăk Ui: Khi sức dân được khơi dậy
Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) đã phát huy sức mạnh nội lực, khơi dậy sức dân trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo ra những đổi thay tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Tạo điều kiện cho dân phát huy nội lực
Được nghe ông Ngô Hồng Hưng - Chủ tịch UBND xã Đăk Ui kể về sự đổi thay tích cực chính nhờ việc khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của xã Đăk Ui hoàn toàn đổi thay, “máu nghề nghiệp” nổi lên khiến tôi không khỏi tò mò muốn trở lại vùng đất anh hùng này để tận mắt chứng kiến.
Vào một ngày đầu tháng Bảy, trên “con ngựa sắt” quen thuộc, chúng tôi trở lại xã Đăk Ui. Đúng như những gì ông Ngô Hồng Hưng đã nói, điều tôi cảm nhận đầu tiên là hạ tầng giao thông ở đây được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Còn nhớ, trước đây khi tôi đến thôn 1B của xã Đăk Ui thì con đường lầy lội, rất khó đi. Nay mọi thứ đã khác, con đường được bê tông hóa phẳng lì, xe chạy bon bon.
Nhà cửa người dân xây dựng hai bên đường ở đây khá khang trang, giữa làng là mái nhà rông truyền thống cao vút, nhìn ra cánh đồng lúa xanh rờn. Xa xa là dòng suối Đăk Uy miệt mài chảy, tạo nên bức tranh thêu thủy mặc hữu tình.
Chỉ cách có mấy năm không trở lại mà sự đổi thay diệu kỳ của vùng đất này đã khiến tôi không khỏi ngạc nhiên, thán phục.
|
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cà phê xanh mượt, quả vây kín cành, A Khôi -Thôn trưởng thôn 1B “khoe” rằng: Cà phê giống TR4, TRS1 cao sản của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (người dân thường gọi là Viện Cà phê Eakmat - PV) đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, năng suất đạt trên 20 tấn quả tươi/ha, lại phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở đây và dễ chăm sóc. Gia đình tôi trồng được 2,5ha cà phê. Hiện gia đình có hơn 1ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, vụ thu hoạch vừa năm, gia đình thu trên 22 tấn cà phê tươi, bán được khoảng 180 triệu đồng.
- “Việc trồng cà phê đòi hỏi phải có kỹ thuật và cần nhiều vốn?” - tôi hỏi.
- “Đúng vậy! Kỹ thuật người dân học được từ các lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê; vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay và từ nguồn vốn tiết kiệm của gia đình. Từ ngày có cà phê đi vào kinh doanh, cuộc sống của gia đình ổn định, không còn khổ như xưa” - A Khôi thật lòng.
Nhìn vào góc nhà A Khôi, tôi thấy nào là máy bơm điện, máy phun thuốc, dây ống dẫn nước… A Khôi bảo trồng cà phê phải có các phương tiện sản xuất này thì sản xuất mới kịp thời, hiệu quả.
A Khôi khiêm tốn cho rằng, ở thôn 1B, mình chưa phải là hộ sản xuất giỏi đâu. Các hộ như A Hà, Đỗ Văn Thanh, Dương Ngọc Sang… mới là hộ sản xuất giỏi. Người dân ở đây, ngày càng vươn lên nhờ cây cà phê.
Đến thôn 7B, tôi vào thăm gia đình Y Đi. Tuy còn trẻ tuổi, nhưng Y Đi cùng chồng phát triển được gần 2ha cà phê, trong đó có gần 1ha cà phê kinh doanh. Giỏi thâm canh, vụ thu hoạch vừa qua, gia đình Y Đi thu gần 200 triệu đồng từ cà phê. Ngoài việc thâm canh cà phê, Y Đi còn trồng bời lời, thâm canh lúa nước…
“Trồng cà phê, lúa phải mua phân bón cho cà phê, lúa. Cho cà phê, lúa “ăn” các loại phân bón như NPK, urê, kali… tùy theo từng giai đoạn bón cho phù hợp, thì cà phê, lúa mới cho nhiều hạt. Gia đình có cuộc sống ổn định hơn trước là nhờ vốn vay và học hỏi kỹ thuật qua lớp đào tạo nghề” - Y Đi bộc bạch.
Khi ý Đảng hợp lòng dân
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Hồng Hưng khẳng định, trong xây dựng nông thôn mới nếu không khơi dậy sức dân, tạo điều kiện cho người dân vay vốn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho dân thì không thể phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Từ nhận thức này, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã phối hợp với huyện mở các lớp đào tạo nghề và tập huấn: Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê, cao su, lúa, chăn nuôi gia súc; vận hành máy nông nghiệp (máy cày, máy bừa, máy phay đất…); điện dân dụng. Các lớp đào tạo nghề này đã giúp người dân nắm bắt được những kiến thức kỹ thuật cơ bản trong trồng trọt, chăn nuôi và ứng dụng vào thực tế; nhờ vậy sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã có những bước phát triển vượt bậc, đem lại hiệu quả kinh tế.
“Qua việc học nghề và kỹ thuật sản xuất, một bộ phận hộ gia đình trẻ có kiến thức, có sức khỏe và kỹ năng lao động vươn lên trong sản xuất. Các hộ gia đình như A Đam (thôn 7A), A Hà (thôn 1B), U Bình (thôn 1A), A Thanh (thôn 2)… có thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm. Các hộ sản xuất giỏi này có sức lan tỏa cho nhiều hộ khác học tập” - ông Ngô Hồng Hưng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, từ chuyên canh các loại cây lương thực, nông dân đã chuyển đổi sản xuất sang kết hợp trồng các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê… nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Đến nay, xã Đăk Ui phát triển được 454,95ha cà phê, 145ha cao su, gần 700ha bời lời…; đàn trâu 540 con, đàn bò 1.037 con, đàn dê 405 con, đàn heo 1.653 con, đàn gia cầm trên 1.650 con.
Sản xuất phát triển, người dân có điều kiện đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình như nhà rông văn hóa, bê tông hóa sân trường, đào giếng nước sạch cho các trường… ở các thôn theo tiêu chí nông thôn mới.
“Đã có 3 sân trường mỗi sân 1.000m2, 2 giếng nước sinh hoạt người dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền của xây dựng; xã chỉ hỗ trợ một phần kinh phí tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên” - ông Ngô Hồng Hưng cho biết
Khi ý Đảng hợp lòng dân, việc khơi dậy sức dân để phát triển kinh tế - xã hội bền vững sẽ đem lại hiệu quả tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo ra diện mạo mới ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Văn Nhiên