Đăk Tờ Re: Mở hướng giúp dân giảm nghèo
Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, trong những năm gần đây, Đảng ủy, UBND xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) tập trung các nguồn lực hỗ trợ dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế và giảm nghèo. Các chương trình, mô hình đang tạo ra những chuyển biến tích cực góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đăk Tờ Re là xã nghèo, đời sống người dân còn khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, trong những năm gần đây, xã huy động các nguồn lực xây dựng các mô hình, hỗ trợ dân phát triển kinh tế nâng cao đời sống.
Vào xem mô hình chuối được xã hỗ trợ cho nhiều hộ dân ở thôn 3 trồng năm 2016, chúng tôi thấy vườn chuối tiêu phát triển sum sê trên vườn đồi. Dường như bụi chuối nào cũng có quả và bắp chuối.
|
Ông A Ríp - chủ nhân vườn chuối phấn khởi khoe: Gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong thôn được xã hỗ trợ giống, phân bón và chuyển giao kỹ thuật trồng 1 sào chuối/hộ. Cây chuối tiêu phù hợp với khí hậu địa phương nên sinh trưởng tốt. Bình quân mỗi buồng chuối thu hoạch đạt từ 30-40kg. Với giá bán bình quân 4,5 nghìn đồng/kg, mỗi buồng thu được từ 135-180 nghìn đồng. Việc phát triển chuối tiêu giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Ông Phan Văn Hải, thôn 12 cũng khẳng định, trồng chuối tiêu thu nhập cao và ổn định hơn so với các cây trồng khác. Bình quân mỗi héc ta chuối cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Cây chuối tiêu mở ra hướng đi giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.
Từ mô hình chuối tiêu xã hỗ trợ và doanh nghiệp tư nhân Thụy Vi đầu tư cho dân trồng 10ha năm 2015 thành công, năm nay, xã tiếp tục hỗ trợ 70 hộ trồng 7ha chuối tiêu tại các thôn 1, 2, 4, 7 bằng nguồn vốn Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Việc trồng chuối tiêu lại được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, người dân phấn khởi với việc phát triển cây chuối.
Ở mô hình cây cao su tiểu điền được người dân trồng từ nhiều năm về trước, đến nay, cao su cho thu hoạch. Trao đổi về thu nhập từ cây cao su, ông A Klis (thôn 4) phấn chấn cho biết, gia đình trồng gần 1ha cao su. Cây cao su bước vào thu hoạch năm thứ hai. Với giá 8 nghìn đồng/kg mủ đông, gia đình thu bình quân 500 nghìn đồng/lần cạo. Nhờ có thu nhập ổn định từ cao su, năm nay gia đình ông phấn đấu thoát hộ nghèo.
|
Theo ông Huỳnh Quốc Thái - Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re, trên thực tế, có rất nhiều hộ dân thoát nghèo từ cây cao su. Mặc dù giá mủ cao su chưa thực sự khôi phục so thời điểm được giá, nhưng cây cao su vẫn là cây trồng chiến lược giúp dân có thu nhập cao và ổn định hơn một số cây trồng ngắn ngày khác. Tính đến thời điểm này, xã Đăk Tờ Re phát triển được 883ha cao su tiểu điền/2.682ha cao su. Ở các hộ công nhân cao su của Nông trường Cao su Đăk Tờ Re (Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum), Công ty CP Duy Tân cũng có cuộc sống ổn định.
Đối với cây mì, gần đây, xã tập trung hỗ trợ cho dân phát triển mạnh giống mì cao sản. Cũng theo ông Thái, năm 2016, bằng nguồn vốn Chương trình 102 của Chính phủ, xã hỗ trợ cho dân đầu tư thâm canh hơn 50ha mì KM140. Năng suất bình quân mì cao sản KM140 đạt 45-50 tấn/ha. Thấy được năng suất cao qua thâm canh, năm nay người dân tự nhân rộng mì cao sản KM140. Diện tích mì cao sản KM140 hiện chiếm 20% diện tích mì ở địa phương.
Trong chăn nuôi, xã tranh thủ được nhiều nguồn vốn hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo. Thông qua Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, xã phối hợp với Ban quản lý dự án tổ chức tập huấn (kỹ thuật trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, chăm sóc bò…) và hỗ trợ 30 con bò; nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề hỗ trợ tiền và cho người dân vay mua 50 con bò; Báo Kon Tum vận động doanh nghiệp hỗ trợ 3 con bò cho hộ nghèo. Hiện nay, hơn 80% số bò hỗ trợ cho hộ nghèo đã sinh sản.
“Đặc biệt, bò do Báo Kon Tum hỗ trợ từ 3 con ban đầu cho hộ nghèo nuôi theo hình thức luân phiên, nay phát triển 15 con bò”- anh Hoàng Trọng Đạt - Phó phòng HC-TS Báo Kon Tum, cán bộ phụ trách đỡ đầu xã cho biết.
Theo đánh giá, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, thông qua các chương trình và huy động các nguồn lực, công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương gần đây có chuyển biến tích cực. Số hộ nghèo ngày càng giảm và thu nhập của người dân năm sau tăng hơn năm trước. Tính đến thời điểm này, xã Đăk Tờ Re đạt 10 tiêu chí nông thôn mới. Xã đang phấn đấu bình quân mỗi năm đạt từ 2-3 tiêu chí nông thôn mới.
Đối với một vùng đất pha cát, sỏi đá nhiều như ở xã Đăk Tờ Re, việc mở hướng đi giúp người dân tăng thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo là một cuộc cách mạng khó. Tuy nhiên, với hướng đi đã mở, xã Đăk Tờ Re phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chí giảm nghèo, thu nhập bình quân đầu người và đồng thời đạt xã nông thôn mới.
Trần Văn Nhiên