Đăk Tô khởi sắc xây dựng nông thôn mới
Sau 10 năm (từ 2010 đến nay) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và sự tích cực tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, diện mạo nông thôn huyện Đăk Tô ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Đăk Tô đứng trước bộn bề khó khăn, trở ngại. Bởi, Đăk Tô bấy giờ vẫn là huyện thuần nông nhưng sản xuất nông nghiệp chưa phát triển, còn nhỏ lẻ, manh mún, khó hình thành những cánh đồng lớn, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế; thị trường nông sản chưa phát triển. Bên cạnh đó, xuất phát điểm khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thấp, có 100% xã chưa đạt chuẩn về tiêu chí quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông...; thu nhập bình quân đầu người quá thấp (8,4 triệu đồng/người/năm)...
Trước khó khăn đó, huyện Đăk Tô xác định muốn thực hiện thành công phải huy động được sức mạnh nội lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở và sự tham gia tích cực của người dân, trong đó người dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều đó, bên cạnh việc tận dụng các nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, Trung ương và các nguồn lực xã hội, việc phát động các phong trào thi đua thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội cụ thể của từng năm và của cả giai đoạn, tuyên truyền và thay đổi nhận thức xã hội là hết sức quan trọng.
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, cùng với việc thành lập ban chỉ đạo, căn cứ tình hình thực tế từng địa phương để xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện từng tiêu chí, từng địa phương, tháo gỡ những khó khăn..., hàng năm, huyện Đăk Tô phát động phong trào thi đua “Huyện Đăk Tô chung sức xây dựng nông thôn mới”, ký kết giao ước thi đua để triển khai thực hiện đạt mục tiêu chương trình đề ra.
|
Các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Đăk Tô vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng khu dân cư và người dân để hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, cơ chế chính sách trong việc xây dựng nông thôn mới dựa trên tinh thần phát huy nội lực của cộng đồng, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường của nhân dân là chính, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước... Qua đó, nhiều người dân ở Đăk Tô không chỉ đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động, tích cực tham gia lễ ra quân và phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới vào dịp đầu xuân hàng năm mà còn tình nguyện đóng góp hàng tỷ đồng, hiến hàng nghìn mét vuông đất, kiến trúc trên đất, hoa màu để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng...
Theo tổng hợp của UBND huyện, tổng số vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2019 trên địa bàn huyện là 171,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư trực tiếp hơn 56,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 33,05% (tăng 28,53% so với giai đoạn 2010-2015); ngân sách địa phương 36,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 21,09% (tăng 20,84% so với giai đoạn 2010-2015); vốn lồng ghép gần 32 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18,61% (giảm 51,87% so với giai đoạn 2010-2015); vốn tín dụng 29,4 tỷ đồng, chiếm 17,1% (tăng 9,37% so với giai đoạn 2010-2015); vốn doanh nghiệp hơn 1,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,84% (giảm 12,64% so với giai đoạn 2010-2015) và đặc biệt là cộng đồng dân cư đóng góp và nguồn vốn khác được 16 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,31% (tăng 5,77% so với giai đoạn 2010-2015).
Từ các nguồn vốn đầu tư, trên địa bàn huyện Đăk Tô đã có 101,3 km đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện và 93 km đường trục thôn, đường liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; nâng cấp 88 km đường trục chính nội đồng; nâng tỷ lệ kilômét đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đạt chuẩn lên 97,3%, tăng 8,8% so với năm 2011 (88,5%); tỷ lệ kilômét đường trục thôn và đường liên thôn đạt chuẩn lên 95,7%, tăng 84,3% so với năm 2011 (11,4%); tỷ lệ kilômét đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 86,3%, tăng 64,8% so với năm 2011 (21,5%); tỷ lệ đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm đạt 76,4%, tăng 49,4% so với năm 2011 (26,9%).
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn đạt 99,6%, tăng 16,6% so với năm 2011 (83%); tổng số trường học ở khu vực nông thôn đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 lên 17 trường , tăng 12 trường so với năm 2011 (5 trường); tỷ lệ nhà ở dân cư đạt chuẩn là 64,8%, tăng 28,8% so với năm 2011 (36%); 7/8 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tăng 7 xã so với năm 2011; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 93,85%, tăng 17,45% so với năm 2011 (76,4%); thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 25,69 triệu đồng/người/năm, tăng 17,29 triệu đồng/người/năm so năm 2011 (8,4 triệu đồng/người/năm). Toàn huyện hiện còn 1.192 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,73%, giảm 7,36% so với năm 2016; hộ cận nghèo là 844 hộ, chiếm tỷ lệ 10,28%.
|
Là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi từ thành quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chị Y Hương (thôn 2 xã Tân Cảnh) bộc bạch: Trước đây, trên địa bàn xã hầu hết các con đường giao thông nông thôn đều phải chịu cảnh mưa lầy, nắng bụi. Nay đường làng ngõ xóm, đường ra khu sản xuất đều được bê tông hóa, đi lại thuận tiện, hàng hóa sản xuất ra cũng được vận chuyển dễ dàng, không bị tư thương ép giá, bà con chúng tôi rất phấn khởi.
Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho biết, nhờ xây dựng nông thôn mới, diện mạo xã Đăk Trăm từng bước thay đổi tích cực, đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Trong số các tiêu chí chưa đạt chuẩn, xã Đăk Trăm chú trọng 2 tiêu chí khó nhất là thu nhập và hộ nghèo. Để thực hiện 2 tiêu chí nói trên, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể xuống tận thôn làng vận động người dân tích cực lao động, thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa những cây con giống có giá trị kinh tế cao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, địa phương sẽ tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cho nhân dân về cây con giống cũng như hướng dẫn về kỹ thuật để nhân dân phát triển sản xuất.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của chính người dân, đến nay, trên địa bàn huyện Đăk Tô có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới: Diên Bình, Tân Cảnh, Kon Đào; đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện đạt trung bình 12,6 tiêu chí xây dựng nông thôn mới/xã. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, kết cấu hạ tầng và kinh tế phát triển, văn hóa truyền thống các dân tộc được giữ gìn phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, tạo bước phát triển mới trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Văn Phương