Đăk Tô: Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn
Giữa lúc dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện tại huyện Ia H’Drai, ngày 7/6, huyện Đăk Tô phát hiện bệnh tai xanh xảy ra trên đàn lợn tại một hộ gia đình ở thị trấn Đăk Tô. Hiện tại, địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn.
Nâng cao ý thức từ người chăn nuôi
Để giúp phóng viên chúng tôi “mục sở thị” một số cơ sở chăn nuôi quy mô trên địa bàn nhằm phản ánh, ghi nhận ý thức của người dân về phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn, anh A Quang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Đăk Tô đã liên lạc với rất nhiều hộ chăn nuôi. Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, đa số các hộ chăn nuôi đều từ chối cho người bên ngoài vào khu vực chuồng trại chăn nuôi của mình.
Riêng hộ gia đình anh Trần Quang Điện và chị Hoàng Thị Lan ở khối 5, thị trấn Đăk Tô đồng ý nhưng kèm theo điều kiện “chỉ cho 1 người vào bên trong để quay phim, chụp ảnh, chứ không được vào đông người và trước khi vào khu chuồng trại chăn nuôi, toàn bộ giày dép, trang phục cũng phải được “khử trùng, tiêu độc”…
Nghe anh A Quang thông tin, chúng tôi cũng hết sức chia sẻ nỗi lo với vợ chồng anh Điện - chị Lan nói riêng và người chăn nuôi trên địa bàn huyện Đăk Tô nói chung trước tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Kon Tum và đặc biệt là tình hình dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn vừa mới xảy ra tại địa bàn huyện Đăk Tô.
“Mục sở thị” khu chăn nuôi của gia đình anh Điện - chị Lan ở khối 5, chúng tôi còn ngạc nhiên hơn về ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi của hộ gia đình này.
Khu chuồng trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Điện - chị Lan nằm ở cuối một cánh rừng thông ở khối 5, cách khu dân cư chừng 800m. Con đường chính dẫn vào khu vực chăn nuôi được rải đầy vôi bột và phía gần cổng ra vào trang trại có đặt một tấm bảng viết tay dòng chữ thật to “Xin dừng lại trước khi vào khu chuồng trại”.
Chị Lan vừa ra đón khách, vừa giải thích: Mọi người thông cảm cho gia đình. Sợ dịch bệnh lây lan trên đàn lợn nên gia đình tôi mới đặt tấm bảng như vậy để ai đến đây cũng đều phải ý thức dừng xe lại, đi bộ qua lối đi đã rải vôi. Còn nếu ai muốn vào tận khu chuồng trại chăn nuôi thì phải được gia đình đồng ý và toàn bộ giày dép, trang phục phải được phun, xịt dung dịch thuốc khử trùng tiêu độc để tránh mang mầm bệnh.
Chị Lan cho biết, sở dĩ vợ chồng chị phải kỹ lưỡng như thế vì năm 2018, đàn lợn 142 con của gia đình anh chị đã bị lở mồm long móng buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Và dù bị thiệt hại nặng nhưng vì cuộc sống gia đình lâu nay chỉ biết bám víu vào nghề chăn nuôi nên sau khi khử trùng tiêu độc chuồng trại được một thời gian, vợ chồng anh chị lại quyết định gầy đàn lợn trở lại. Từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện nhiều nơi, trong đó có Kon Tum và mới đây, trên địa bàn huyện Đăk Tô cũng đã xảy ra bệnh tai xanh trên đàn lợn nên ý thức phòng chống dịch cho đàn gia súc càng được gia đình nâng cao hơn.
Chăn nuôi đàn lợn hơn 200 con nên một ngày vợ chồng anh Điện, chị Lan quần quật với công việc từ sáng đến tối. Thời gian gần đây, công việc của anh Điện càng vất vả hơn vì ngoài công việc phải vệ sinh chuồng trại một ngày mấy bận, anh còn tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc bằng việc rải vôi, phun thuốc khử trùng tiêu độc trên diện rộng (cả khu vực chuồng trại chăn nuôi và vùng phụ cận).
Anh Điện chia sẻ, tháng trước, một tuần anh chỉ phun khử trùng tiêu độc 2 lần từ nguồn thuốc tài trợ của Công ty thức ăn gia súc mà gia đình anh hay mua tài trợ và một phần hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Đăk Tô. Nhưng từ tuần này, tần suất phun khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại và vùng phụ cận khu chăn nuôi dày hơn, 2 ngày/lần. Ngoài ra, gia đình anh còn mua vôi bột về rắc thường xuyên trên đường đi, lối lại quanh khu vực chuồng trại…
|
Anh A Quang cho biết, không chỉ có hộ gia đình anh Điện - chị Lan, qua tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và ngành chức năng, 18 hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn đều nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn bằng việc tăng cường vệ sinh chuồng trại, rắc vôi và thường xuyên thực hiện các biện pháp khử trùng tiêu độc.
Riêng với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đa số vẫn còn chủ quan. Cụ thể như với hộ gia đình ông Cao Văn Lam ở khối 6, thị trấn Đăk Tô - hộ gia đình vừa mới phát hiện xảy ra bệnh tai xanh trên đàn lợn - là hộ mới đầu tư phát triển chăn nuôi. Vì vậy, sau khi xử lý tiêu hủy đàn lợn 30 con, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã hướng dẫn cho hộ gia đình cách thức phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc; đồng thời động viên tinh thần hộ chăn nuôi vượt qua khó khăn…
Anh A Quang nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc được huyện Đăk Tô xác định là tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức từ người chăn nuôi.
Ngày 8/6, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đăk Tô phối hợp với chính quyền thị trấn Đăk Tô và hộ gia đình trên địa bàn tiến hành tiêu hủy 30 con lợn mắc bệnh tai xanh của hộ gia đình ông Cao Văn Lam ở khối 6, thị trấn Đăk Tô sau khi phát hiện 2 trong số 30 con lợn trong tổng đàn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh tai xanh. TQ |
…đến cơ sở giết mổ gia súc
Sau thời gian tuyên truyền, vận động quyết liệt, đến nay, 13 cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình trong khu dân cư trên địa bàn huyện Đăk Tô (12 cơ sở giết mổ lợn và 1 cơ sở giết mổ bò) đều đã đăng ký đưa hoạt động giết mổ gia súc vào cơ sở giết mổ gia súc tập trung của huyện.
Ghi nhận của phóng viên Báo Kon Tum, những ngày này, hoạt động tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung này không còn sôi động như những tháng trước đây. Bằng chứng là nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày, cơ sở giết mổ gia súc tập trung này giết mổ khoảng 30-40 con lợn thì hiện nay số lượng giảm còn khoảng 12 con/ngày (trung bình mỗi ngày mỗi cơ sở giết mổ 1 con lợn).
Bà Hứa Thị Tiệp - hành nghề giết mổ và kinh doanh mua bán thịt lợn ở thị trấn Đăk Tô tỏ ra lo lắng: “Mấy tháng nay, nghe tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở các tỉnh thành và mới đây đã xuất hiện tại Kon Tum, nhiều người dân e dè, không sử dụng nhiều thịt lợn nữa nên lượng thịt lợn tiêu thụ trên thị trường giảm sút mạnh. Giá thịt lợn theo đó cũng giảm theo. Bởi vậy mà mỗi ngày tôi chỉ giết mổ 1 con lợn để bán thịt, thay vì giết mổ từ 2 đến 3 con như trước đây. Bây giờ, thêm bệnh tai xanh trên đàn lợn, không biết sắp tới thị trường thịt lợn sẽ thế nào…”.
Là người hành nghề giết mổ, kinh doanh thịt lợn tại các chợ trên địa bàn, bà Tiệp mong muốn những người nội trợ hãy là người tiêu dùng thông thái, không nên “tẩy chay” thịt lợn, nhất là thịt lợn của những gian hàng được giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung đều có kiểm duyệt chất lượng và đóng dấu của ngành chức năng.
Bản thân bà Tiệp và các hộ giết mổ gia súc tập trung khác cũng nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về mua bán, vận chuyển thịt lợn đảm bảo an toàn, không dịch bệnh và các quy định tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung của huyện, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Hiện, huyện Đăk Tô là địa phương có tổng đàn lợn khá lớn, khoảng 13.000 con, trong đó, số hộ chăn nuôi quy mô trang trại khoảng 18 hộ. Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn nói chung, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi, chính quyền địa phương đã và đang chỉ đạo quyết liệt các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn, kịp thời phối hợp với ngành chức năng và hộ gia đình có lợn bị bệnh kịp thời phun thuốc khử trùng tiêu độc, khoanh vùng ổ dịch để theo dõi, tránh lây lan sang các địa bàn lân cận.
Đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, huyện Đăk Tô cũng đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm bắt và tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, tránh gây hoang mang và “tẩy chay” việc sử dụng thịt lợn; tăng cường các biện pháp khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vận động, tuyên truyền nhân dân không giấu dịch hoặc gian lận trong khai báo lợn mắc bệnh phải tiêu hủy nhằm trục lợi; tăng cường quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc trên địa bàn và giám sát nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn…
Tú Quyên