Đăk Ruồng: Làm tốt công tác hỗ trợ người dân phát triển sản xuất
Những năm qua, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) đã huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ người dân trên địa bàn xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn huy động từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, người dân trên địa bàn xã Đăk Ruồng, đặc biệt là người DTTS, được tiếp cận, hỗ trợ vốn để đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất với các loại cây giống, con giống mới góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đem lại thu nhập ngày càng cao cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.
Đến thăm khu sản xuất của thôn 9 (xã Đăk Ruồng), chúng tôi cảm nhận được không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi của người dân nơi đây. Mọi người đang phấn khởi trồng mì, chủ yếu là giống KM419 và KM140 khi đất đã đủ độ ẩm và thời tiết bắt đầu thuận lợi. Đây là 2 giống mì chủ lực, cho sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 60 - 70 tấn/ha, giúp nhiều người dân thôn 9 và các thôn khác của xã Đăk Ruồng có nguồn thu nhập đáng kể trong những năm vừa qua.
|
Ông Trần Văn Phúc - Thôn trưởng thôn 9 nhớ lại, những năm trước đây, người dân trên địa bàn thôn chủ yếu canh tác giống mì K94, sản lượng hàng năm không cao, chỉ đạt 30 - 40 tấn/ha. Đến năm 2016, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn xã hội hóa, người dân của thôn được hỗ trợ trồng 2 giống mì KM419 và KM140.
“Phù hợp với điều kiện khí hậu cùng thổ nhưỡng nên 2 giống mì này sinh trưởng tốt, cho sản lượng thu hoạch cao ngay từ năm trồng đầu tiên. Thấy vậy, người dân trong thôn bắt đầu nhân rộng diện tích trồng 2 giống mì KM419 và KM140. Đến nay, toàn thôn có khoảng 125ha trồng 2 giống mì này”, ông Phúc trao đổi với chúng tôi.
Ông Phúc còn chia sẻ, cũng từ các nguồn vốn của các chương trình, chính sách của Nhà nước và xã hội hóa, ngoài diện tích mì, người dân trong thôn còn phát triển được 5ha mía, 2ha ăn quả, 11ha cà phê và chăn nuôi gia súc với hơn 1.000 con lợn, 250 con trâu, bò và 60 con dê. Đến nay bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn thôn 9 đạt hơn 40 triệu đồng/năm.
Rời thôn 9, chúng tôi tìm về thôn 11, nơi có 2 làng Kon Bdeh và Kon Tuh. Ông A Tơi - Bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng thôn 11 dẫn chúng tôi đi tham quan khu sản xuất xung quanh đập nước của thuỷ điện Đăk Bla 1. Những con đường bê tông hay những vườn cà phê xanh mướt trải rộng trên các ngọn đồi đã để lại ấn tượng đẹp về một vùng quê trù phú, yên bình.
|
Ông A Tơi cho biết, những năm qua, nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các đoạn đường quan trọng trong khu sản xuất của thôn đều được đổ bê tông; nguồn nước tưới tiêu được cung cấp đầy đủ, qua đó giúp bà con đi lại, sản xuất gặp rất nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, thông qua sự hỗ trợ từ các nguồn vốn của các chương trình, chính sách, 168 hộ dân của 2 làng Kon Bdeh và Kon Tuh đến nay đã phát triển được 220ha mì, 15ha cà phê, 40ha cao su, 12ha bời lời; chăn nuôi 126 con bò, 80 con dê, 170 con lợn, hơn 900 con gia cầm (gà, vịt).
Không chỉ có người dân ở thôn 9 và thôn 11 được hưởng lợi từ các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất; các thôn 10, 13, 14 của xã Đăk Ruồng cũng xây dựng được các cánh đồng lớn trồng mì, mía và cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân.
Theo báo cáo của UBND xã Đăk Ruồng, hiện nay trên địa bàn xã có hơn 342,6ha lúa, 208 bắp, 817ha mì, 509ha cây lâu năm (cao su, cà phê, tiêu, cây ăn quả), đàn lợn 2.287 con, đàn bò 1.925 con, đàn dê 300 con, đàn gia cầm hơn 14.000 con…
Ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho hay, trong thời gian tới, xã Đăk Ruồng tiếp tục lồng ghép, triển khai mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và được tiếp cận, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn và lồng ghép một số nội dung trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (như: hỗ trợ làm đường bê tông tại các khu sản xuất, bảo vệ môi trường nơi đồng ruộng…) để đẩy mạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, hoàn thành mục tiêu nâng cao hơn nữa mức thu nhập cho người dân trong những năm tiếp theo.
Đức Thành