Đăk Hà: Nhiều hướng đi hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp
Thành lập mô hình liên kết sản xuất cà phê hữu cơ (cafe organic) và trồng luân canh những giống cây như: khoai lang, dưa hấu… trên diện tích đất chờ tái canh cà phê là những hướng đi mới, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của nông dân Đăk Hà.
Bắt kịp xu thế người tiêu dùng
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là xu thế của nhiều địa phương trên cả nước vì những lợi ích như: bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày nay ngày càng ưa chuộng những sản phẩm sạch và an toàn.
Nắm bắt xu thế đó, đầu năm nay, Hội Nông dân thị trấn Đăk Hà đã thành lập mô hình liên kết sản xuất cà phê hữu cơ với sự tham gia của 10 hộ dân và được triển khai trên diện tích 10ha.
Cà phê hữu cơ, hay còn gọi là cà phê sạch, phải đảm bảo ở cả 2 công đoạn: Trồng và chế biến. Trồng không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu; chế biến không sử dụng các loại phụ gia, hoá chất độc hại…
|
Bên cạnh đó, mô hình liên kết sản xuất cà phê hữu cơ mà Hội Nông dân thị trấn Đăk Hà triển khai còn cung ứng nguồn phân bón hữu cơ vi sinh, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo từng chu kỳ, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tổ chức chế biến theo đúng quy trình, trực tiếp đóng gói bao bì và giao sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Ông Phạm Văn Lĩnh – Chủ nhiệm mô hình cho biết: 10 hộ dân đã trích mỗi hộ 1ha trên tổng diện tích cà phê của mình để tham gia vào mô hình. Mô hình thực hiện quy trình sản xuất chăm sóc cà phê hữu cơ theo đúng kỹ thuật và khuyến cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Khi tham gia mô hình, các hộ dân được nhiều lợi ích như: giảm chi phí chăm sóc trong khi năng suất không giảm (năng suất vẫn đạt 4 – 5 tấn cà phê nhân trên 1ha) nhưng chất lượng lại tăng lên, được cung cấp nguồn phân bón đúng tiêu chuẩn, được doanh nghiệp thu mua sản phẩm đúng giá thị trường…
Cũng theo ông Lĩnh, qua 1 năm triển khai, kết quả mà mô hình thu được rất khả quan, bước đầu sản phẩm làm ra được thị trường tiếp nhận khá tốt. Khi đem sản phẩm đi trưng bày tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII vào cuối tháng 9/2018 và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII tại Hà Nội giữa tháng 12/2018 vừa qua, sản phẩm cà phê hữu cơ của mô hình đã nhận được nhiều lời khen từ các đại biểu.
Ông Nguyễn Văn Dần – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đăk Hà cho hay: Thực tế, khi trồng cà phê, bà con nông dân có gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, ngoài thị trường trong nước, thị trường nước ngoài còn yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Do vậy, để chất lượng cà phê tăng lên, tạo giá trị cao hơn, chúng tôi thành lập mô hình liên kết sản xuất này. Vì sản phẩm cà phê làm ra sạch từ trồng đến chế biến, lại không qua thương lái sẽ giúp bà con giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm và đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con.
“Có thời điểm giá cà phê hữu cơ cao hơn 2 đến 3 giá so với giá cà phê truyền thống, giá trái tươi cao hơn 300 - 400 đồng/kg và giá cà phê nhân cao hơn 1.000 – 1.300 đồng/kg”, ông Dần nói.
Ông Dần cũng mong muốn, trong thời gian tới, mô hình sẽ nhân rộng và mỗi chi hội sẽ thành lập được 1 tổ liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ, khi tổ liên kết sản xuất phát triển và tìm đầu ra ổn định sẽ tiến tới thành lập hợp tác xã, lúc đó bà con sẽ hưởng lợi nhiều hơn.
Trồng luân canh những cây có giá trị cao
Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở thôn Đăk Lợi, xã Đăk Ngọk đã thu lợi nhuận cao từ việc trồng khoai lang Lệ Cần và dưa hấu trên diện tích đất chờ tái canh cà phê của gia đình và thuê của Công ty TNHH MTV cà phê 704.
Dẫn chúng tôi tham quan diện tích 0,5 ha khoai Lệ Cần của mình, anh Đặng Văn Duẩn (thôn Đăk Lợi) cho biết: Khoai lang Lệ Cần dễ chăm sóc, 1 vụ khoai khoảng tầm 3 tháng, ngoài ra còn tận dụng được giống sau khi thu hoạch. Kỹ thuật trồng khoai lang Lệ Cần cũng khá đơn giản, không cần nhiều công chăm sóc, 1 vụ chỉ bón phân 2 lần. Với 0,5 ha, tổng chi phí chăm sóc hết khoảng 8 triệu đồng. “Đây là vụ khoai lang thứ 2 của tôi, vụ đầu tiên tôi thu hoạch được 5 tấn, bán được 60 triệu đồng”, anh Duẩn phấn khởi nói.
Cũng như anh Duẩn, nhưng anh Vi Thái Thuỵ (thôn Đăk Lợi) lại trồng dưa hấu trên diện tích đất chờ tái canh cà phê của Công ty TNHH MTV cà phê 704 với giá thuê 7 triệu đồng/vụ.
|
Là người có kinh nghiệm trồng dưa hấu trong nhiều năm nhưng chỉ trồng trên diện tích đất nhỏ của gia đình, năm nay, anh Thuỵ mạnh dạn thuê đất chờ tái canh cà phê của Công ty TNHH MTV cà phê 704 với diện tích 1,1 ha để tập trung trồng dưa hấu và trồng các cây ngắn ngày khác.
Anh Thuỵ chia sẻ, 1 vụ dưa hấu khoảng 3 tháng là cho thu hoạch. Với 1,1ha dưa hấu này, chi phí chăm sóc 1 vụ hết tầm 60 triệu đồng. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, 1ha sẽ cho sản lượng thu hoạch 50 tấn (đối với dưa tròn) hoặc 30 tấn (đối với dưa dài). Từ giờ đến tết nếu giá dưa hấu ổn định ở mức 3.000 đồng/kg như hiện nay, 1,1ha dưa của tôi bán đi sẽ thu được số tiền gần 100 triệu đồng (sau khi trừ chi phí).
“Hi vọng, khi thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc, giá dưa hấu sẽ tăng lên, như vậy lợi nhuận sẽ cao hơn”, anh Thuỵ nói.
Ông Cao Văn Khánh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Ngọk cho biết: Thời gian chờ tái canh cà phê khoảng hơn 1 năm, nên việc trồng luân canh các cây như: khoai lang, dưa hấu, bắp… ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân còn giúp tái tạo lại đất, ngăn chặn được bệnh tuyến trùng phát sinh trong đất, không ảnh hưởng đến rễ cây cà phê khi trồng lại. Hội Nông dân xã cũng thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông của huyện để đi kiểm tra công tác luân canh trên địa bàn xã, nhằm phát hiện kịp thời sâu bệnh, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chọn cây giống cho các hộ nông dân…
Có thể thấy việc thành lập mô hình liên kết sản xuất cà phê hữu cơ hay trồng luân canh những giống cây như: khoai lang, dưa hấu… trên diện tích chờ tái canh cà phê là những hướng đi mới và hiệu quả của nhiều hộ nông dân trên địa bàn Đăk Hà, tạo thành phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp.
Bài và ảnh: Đức Thành