Đăk Hà: Hồ tiêu chết hàng loạt, người dân bất an
Do thời tiết diễn biến thất thường, từ đầu tháng 7 đến nay, hơn 30ha hồ tiêu của người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà bỗng héo rũ, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và tâm lý bất an đối với người dân trên địa bàn huyện…
Năm 2015, vào thời điểm giá hồ tiêu tăng cao, cùng với đó là giá mủ cao su xuống dốc khó kiểm soát, anh Đoàn Văn Kiệt ở thôn 4, xã Hà Mòn đã chặt bỏ diện tích gần 4ha cao su đang trong thời kỳ kinh doanh của gia đình để chuyển sang trồng cây hồ tiêu. Không kể kinh phí cải tạo đất, riêng số tiền đầu tư trồng 2.000 trụ tiêu đã tiêu tốn của gia đình khoản tiền hơn nửa tỷ đồng.
Thời gian đầu, do mạnh dạn đầu tư nên vườn hồ tiêu của gia đình phát triển rất tốt, hứa hẹn những vụ mùa bội thu. Theo anh Kiệt, nếu như tiêu phát triển bình thường, vụ thu hoạch này vườn hồ tiêu sẽ cho sản lượng khoảng 12 tấn tiêu khô. Với giá thành dù thấp như hiện tại, cũng giúp gia đình trang trải bớt một phần kinh phí đã đầu tư.
|
Song, bao nhiêu vốn liếng, công sức của gia đình bỗng chốc trở thành con số không, chuyện trả nợ vay đầu tư trồng tiêu đi vào ngõ cụt khi cách đây gần 1 tháng, những cây hồ tiêu đang xanh tốt, trĩu quả bỗng chốc héo rũ và chết đứng trước sự bất lực của gia đình. Dù đã khá tốn kém để khắc phục, xong càng phun thuốc, tiêu càng chết nhiều hơn.
Xót xa nhìn vườn tiêu đang chết dần chết mòn, anh Đoàn Văn Kiệt buồn rầu nói: Đối với diện tích nào cây còn sống nhiều thì gia đình sẽ khoanh vùng để tiếp tục chăm sóc, còn với những chỗ tiêu đã chết thì gia đình cũng không biết phải xử lý thế nào, phải phá để sang năm tới trồng cà phê…
Tương tư như anh Kiệt, vườn tiêu hơn 1ha của hộ ông Nguyễn Đình Hoàng ở tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà cũng bị bệnh chết hàng loạt. Phát hiện cây tiêu bị bệnh, ông Hoàng nhổ lên thì thấy toàn bộ rễ thối đen và lớp vỏ bên ngoài của gốc cây đã bị bong tróc.
Theo ông, cây tiêu đang bị bệnh thối gốc, chết dây. Bệnh này do một loại nấm sống dưới đất, thích ẩm có tên Phytophthora Parasitica Var Piperana gây ra. Loại nấm này thường phát sinh nhanh trong mùa mưa, bùng phát mạnh vào giai đoạn giữa và cuối mùa mưa. Cùng với các loại nấm khác, chúng xâm nhập vào các bộ phận của cây rồi ủ bệnh từ 1-2 tháng, sau đó phát bệnh làm tiêu chết hàng loạt.
Ông Hoàng cho biết: Vườn tiêu của gia đình ông được ông chuyển đổi từ diện tích đất cà phê nhận khoán của Công ty TNHH MTV Cà phê 734. Trước khi trồng, ông đã bỏ công sức sang tận các vùng chuyên canh hồ tiêu lớn tại Chư Sê, Đức Cơ của tỉnh Gia Lai để học hỏi kinh nghiệm canh tác và chọn mua cây giống. Trước đây, vườn hồ tiêu này từng là mô hình điểm được Hội Nông dân thị trấn Đăk Hà chọn làm tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Song, chỉ trong vòng 1 tháng nay, vườn tiêu đã trở nên héo rũ, chỉ còn lại những cành lá khô khốc. Thử qua nhiều cách, tốn kém hàng chục triệu đồng để mua thuốc trừ bệnh nhưng tiêu vẫn chết đứng.
Ông Nguyễn Văn Dần – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đăk Hà nhận định: Chuyện rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, dịch bệnh trên các loại cây trồng không phải là chuyện của riêng địa phương nào, thậm chí, cả những vùng có thế mạnh và nhiều kinh nghiệm trong canh tác cây công nghiệp truyền thống. Song, đối với những vườn tiêu ở huyện Đăk Hà, hiện tượng cây chuyển bệnh, lây lan và chết rất nhanh mới xảy ra lần đầu tiên.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, trong vòng 5 năm trở lại đây, bên cạnh cây trồng chủ lực là cà phê, diện tích hồ tiêu trên địa bàn cũng tăng một cách khó kiểm soát với khoảng 80ha. Đáng nói hơn, trong số này, có gần 50ha tự phát theo hướng chặt bỏ các loại cây trồng chủ lực của huyện như cà phê, cao su…
Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Đăk Hà cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đăk Hà xác định cây trồng chủ lực vẫn là cây cà phê, cao su và lúa nước. Đối với cây hồ tiêu, huyện Đăk Hà đã khuyến cáo người dân là không nên trồng một cách ồ ạt. Để cân bằng diện tích các loại cây trồng chủ lực, giữ vững quy hoạch nông nghiệp, huyện Đăk Hà đã có nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, vận động, khuyến cáo… đến việc ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương. Song có nhiều hộ vẫn tự ý chặt bỏ các loại cây trồng như cà phê, cao su để chuyển sang canh tác hồ tiêu theo kiểu chạy theo thị trường, các địa phương cũng không thể quản lý được.
“Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng trên 30ha diện tích hồ tiêu trên địa bàn các xã Đăk Long, Ngọc Wang, Hà Mòn, Đăk Hring và thị trấn Đăk Hà bị bệnh và chết rất nhanh… nhẹ thì thiệt hại 40-50% số trụ tiêu, nặng thì mất trắng. Với diễn biến thời tiết như thế này, có thể dự đoán diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh sẽ còn tăng” - ông Nguyễn Văn Hậu nhận định.
Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu đang có những diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng xấu đến hầu hết vườn tiêu trên địa bàn huyện Đăk Hà chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân phải làm mương thoát nước và tạo thông thoáng vườn tiêu. Bên cạnh sử dụng các loại thuốc trừ bệnh hiệu quả, người dân phải nhanh chóng thu gom cây tiêu đã chết, vệ sinh tàn dư thực vật, dùng vôi bột khử trùng vùng bệnh để hạn chế lây lan... Ngoài ra, người dân cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm mầm bệnh báo đơn vị chức năng xử lý kịp thời.
L.N