Đăk Glei: Từng bước hỗ trợ phát triển hiệu quả kinh tế tập thể
Thời gian qua, huyện Đăk Glei quan tâm hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi làm “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Qua đó, góp phần để các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn vượt qua khó khăn, tận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ để phát triển.
Theo thống kê, huyện Đăk Glei hiện có 22 HTX (tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2023) với 238 thành viên, tổng nguồn vốn hơn 78,3 tỷ đồng; trong đó có 21 HTX đang hoạt động, 1 HTX đang tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, có 93 THT (giảm 16 THT so với cùng kỳ năm 2023) với 1.504 thành viên, trong đó có 100% THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo khảo sát của địa phương và ngành chức năng, doanh thu bình quân của các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Glei đạt từ 450- 500 triệu đồng/năm, doanh thu đối với thành viên HTX đạt từ 38- 43 triệu đồng/năm; doanh thu bình quân của THT đạt từ 200- 250 triệu đồng/năm, doanh thu đối với thành viên đạt từ 15-20 triệu đồng/năm.
Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2020- 2025, thời gian qua, huyện Đăk Glei hỗ trợ dự án phát triển sản xuất cho một số HTX. Thông qua đó, giúp các HTX này có thêm nguồn vốn để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất và đạt nhiều hiệu quả tích cực.
|
Những HTX sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của huyện Đăk Glei đạt hiệu quả như: HTX Nông nghiệp xã Đăk Kroong, tổng mức đầu tư 160 triệu đồng; HTX Thương mại và dịch vụ Đăk Glei (xã Đăk Pek), tổng mức đầu tư 990 triệu đồng; HTX Sản xuất và thương mại dịch vụ cung ứng dược liệu Thuận Tài (thị trấn Đăk Glei), tổng mức đầu tư 200 triệu đồng; HTX Nông nghiệp, dược liệu xã Mường Hoong, tổng mức đầu tư 750 triệu đồng; HTX Nông lâm nghiệp và dược liệu xã Ngọc Linh, tổng mức đầu tư 750 triệu đồng…
HTX Sản xuất và thương mại dịch vụ cung ứng dược liệu Thuận Tài ở thị trấn Đăk Glei (gọi tắt HTX Thuận Tài) được thành lập từ năm 2021, hiện có 64 thành viên (có 90% DTTS). Tuy mới thành lập khoảng 3 năm nhưng đây là một trong những HTX đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Đăk Glei.
Đến tham quan các mô hình của HTX, chúng tôi ấn tượng bởi các sản phẩm từ dược liệu, sâm dây, cà phê, mắc ca được chế biến theo quy trình khép kín, đảm bảo kỹ thuật, an toàn vệ sinh qua các công đoạn thu hái, phân loại đến chế biến, đóng gói sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Viết Tài- Giám đốc HTX Thuận Tài, từ khi mới thành lập, HTX gặp không ít khó khăn, nhất là về kinh nghiệm trong quản lý, điều hành hoạt động, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, hoạt động của HTX ngày càng hiệu quả hơn. Theo đó, HTX từng bước phát triển, mở rộng vùng trồng, liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định.
Hiện HTX Thuận Tài đã công bố 13 sản phẩm đạt chuẩn, chủ yếu là dược liệu, sâm và rượu chế biến từ sâm, cà phê, mắc ca. Trong đó, có sản phẩm rượu sâm dây Ngọc Linh và sâm dây Ngọc Linh đang hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá phân hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh. Lợi nhuận hàng năm của HTX duy trì khoảng 190 triệu đồng/năm, thu nhập của các thành viên ổn định, tùy vào vị trí và năng suất lao động.
“Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Hiện HTX đang liên kết và bao tiêu sản phẩm với HTX Foret Stay (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông); đang hoàn thiện hồ sơ để liên kết với HTX Nông nghiệp và dược liệu Mường Hoong (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei) mở vườn ươm cây dược liệu và cây công nghiệp với diện tích 15,7 ha. Đồng thời, thực hiện dự án phát triển sản xuất 10ha sâm dây từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn huyện; tiếp nhận và đưa vào vận hành hệ thống sản xuất và chiết rót rượu…” - ông Nguyễn Viết Tài cho biết thêm.
|
Với sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư cho kinh tế tập thể phát triển của các cấp chính quyền và ngành chức năng huyện Đăk Glei, thời gian qua, các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu chủ lực của địa phương từng bước tạo chỗ đứng trên thị trường, có cơ hội phát triển và vươn xa ra nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế HTX, THT trên địa bàn huyện Đăk Glei vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù huyện miền núi, vùng sâu vùng xa.
Trong đó, số HTX làm ăn có hiệu quả còn ít, quy mô hoạt động còn nhỏ bé, sản xuất kinh doanh còn đơn điệu, manh mún, chưa mở rộng theo hướng đa ngành, đa nghề, liên doanh, liên kết phù hợp. Bên cạnh đó, nguồn tài chính của một số đơn vị còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu; một số HTX từ khi thành lập đến nay vẫn chưa có khả năng đi vào hoạt động kinh doanh do cơ sở vật chất chưa đầy đủ, thiếu vốn kinh doanh…
Để phát huy những kết quả đạt được và từng bước khắc phục những khó khăn, huyện Đăk Glei xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương của huyện quan tâm hỗ trợ để tiếp tục củng cố, tổ chức lại hoạt động của các HTX, THT hiện có; thực hiện giải thể các HTX ngừng hoạt động, hoạt động kém hiệu quả; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các THT, HTX và các thành phần kinh tế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ, người lao động làm trong các loại hình kinh tế tập thể.
Hoàng Thanh