Đăk Glei: Người dân liên kết trồng sâm Ngọc Linh
Có dịp về 3 xã: Xốp, Mường Hoong và Ngọc Linh của huyện Đăk Glei, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện bà con liên kết trồng sâm Ngọc Linh tự nhiên. Ai cũng hy vọng sẽ được đổi đời từ loại cây này...
Hình thành nhóm, tổ hợp tác trồng sâm Ngọc Linh
Cuối tháng 7/2018, Quyết định 2465/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và công nghệ) ban hành sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh cho tỉnh Kon Tum. Theo đó, tỉnh Kon Tum có vùng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh từ 2 xã ban đầu được công nhận năm 2016 là Ngọc Lây và Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), nay được mở rộng thêm 7 xã, bao gồm 3 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp (huyện Đăk Glei) và 4 xã khác (huyện Tu Mơ Rông).
Khi biết được thông tin trên, UBND xã Ngọc Linh đã yêu cầu Ban tự quản các thôn tổng hợp số liệu báo cáo. Đến nay, 17 thôn của xã có khoảng 200 hộ dân liên kết tạo thành nhóm, hoặc tổ hợp hộ tự tìm, chia sẻ kinh nghiệm gầy giống và trồng được khoảng 1ha sâm củ Ngọc Linh tự nhiên dưới tán rừng nguyên sinh.
Anh A Túc – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh, kiêm Tổ trưởng Tổ hợp hộ quản lý vườn sâm Ngọc Linh thôn Tu Răng rất vui mừng, vì hơn 30 năm kinh nghiệm trồng cây thuốc “giấu” của anh đã có đất dùng đến.
Anh kể, năm 1978, khi học lớp 5 đã đi rừng cùng cha, thấy củ cây sâm quý đào để dành trong nhà, không ai biết đó là củ gì. Những lúc giáp hạt, nhà thiếu lương thực, củ sâm Ngọc Linh tự nhiên được bố mẹ lấy ra nấu nước uống cầm hơi, người khỏe trở lại. Sau này, tư thương vào tận xã tìm mua, anh cũng đi rừng nhổ củ sâm quý, bán được 80 ngàn đến 200 ngàn đồng/kg (tùy củ lớn, hoặc nhỏ). Số tiền này, anh đưa bố mẹ mua gạo muối, cá mắm cho cả nhà. Mãi đến tận năm 1992, gia đình anh mới biết cây sâm Ngọc Linh là cây thuốc quý. Cũng năm đó, cả nhà đi rừng chịu đói rét gần 10 ngày, gùi về 3,2kg củ sâm, bán được 680 ngàn đồng. Số tiền này mua được chiếc máy khâu cho mẹ để may vá quần áo cho anh chị em trong nhà.
Nhờ sâm mà A Túc có điều kiện theo học hết phổ thông, trở thành cán bộ nhà nước. Năm 2010, về UBND xã Ngọc Linh công tác, nhiều doanh nghiệp có dự án trồng và bảo tồn sâm Ngọc Linh đã đến làm việc, đề nghị xã tuyên truyền, vận động bà con tìm nguồn sâm quý bán lại họ.
Từ những chuyến đi cùng các doanh nghiệp, anh đã có thêm thông tin, quyết định trở lại những cánh rừng nguyên sinh ngày nhỏ đi cùng cha tìm củ sâm, gầy lại vườn giống cho gia đình. Việc làm của anh dần dà được anh chị em ruột, bà con trong họ biết, đăng ký tham gia đi tìm, liên kết lập vườn chung. Đến nay, các hộ di thực, gộp sâm củ có tuổi đời 4-7 năm, thành vườn trồng diện tích khoảng 500m2.
Ở xã Mường Hoong cũng có người mê ý tưởng làm giàu từ vườn cây thuốc “giấu”. Đó là A Thiếp - cán bộ UBND xã Mường Hoong. Anh Thiếp nói: Năm 2004, tôi đang học lớp 8, cha đã dẫn tôi đi rừng sâu, ở 1 tuần liền để tìm sâm. Cha con tôi phát hiện, góp nhặt được không ít củ sâm trơ trụi; có thời điểm, thì nhổ được cây sâm có đủ củ, lá hoa, hoặc cây đang cho quả, kết trái. Nhưng ông dặn dò tôi, con đi rừng bới đất lấy củ sâm thôi, còn những cây có hoa, kết trái kia đừng nhổ đi mà phải cắt lá, che đi… để dành mùa sau, mùa sau nữa, quay lại lấy thêm củ sẽ được sinh sôi từ cây mẹ.
“Khi đào được 4-5 củ to bằng ngón tay trỏ, hai cha con không trở về nhà. Tinh mơ ngày cuối cùng chuyến đi, cha dậy thật sớm trút hết gạo ở túi vải mang theo, nấu cơm chín và chia thành 2 phần to, lấy lá chuối rừng túm lại. Ông đưa tôi một nắm và nói, cố gắng đưa sâm này xuống xã Trà Sơn (huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) để bán lấy tiền nhiều hơn” - A Tiếp kể.
A Thiếp nói, những năm sau, anh cũng đi được vài lần với cha và các chú ở xã Mường Hoong để tìm sâm bán, trang trải cho sinh hoạt gia đình. Anh biết đi tắt đường rừng, đưa đặc sản của núi rừng Kon Tum xuống các xã thuộc huyện Trà My (Quảng Nam) để bán lấy tiền, hoặc đổi sâm lấy gạo, cá khô, đồ dùng cho gia đình.
|
Những năm sau đó, A Thiếp dành thời gian cho học tập, những câu chuyện đi tìm củ sâm Ngọc Linh đã trở thành kỷ niệm đẹp của tuổi thơ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, năm 2010, anh về công tác tại UBND xã Mường Hoong. Khi xã vận động bà con tham gia phát triển, bảo tồn cây sâm Ngọc Linh, theo định hướng chỉ đạo của UBND huyện Đăk Glei, anh là người tiên phong quay lại rừng, sưu tầm được gần chục củ sâm 3-5 tuổi, tạo vườn sâm cho mình.
Năm 2017 đến nay, A Thiếp làm Trưởng tổ hợp hộ trồng và phát triển, bảo tồn sâm Ngọc Linh ở thôn Mô Po, Tổ hợp hộ của anh có 30 hộ tự nguyện thu gom, gây trồng chung vườn sâm được 50 cây.
Mở lối giúp dân làm giàu
Anh Lê Bá Thế - Chủ tịch UBND xã Mường Hoong thông tin, địa phương có gần 0,5ha cây sâm Ngọc Linh đang được khoảng 120 hộ tham gia mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, thông qua hình thức quản lý liên kết của 8 nhóm hộ và tổ hợp hộ.
Tổng diện tích vườn sâm trên, người dân tự tìm hạt giống tự nhiên ở rừng nguyên sinh để ươm thành những cây giống mới, tự di lý tập hợp cây trồng tại một diện tích nhất định, nhằm thuận tiện chăm sóc, tạo thành vườn sâm củ Ngọc Linh tự nhiên. Tuy nhiên, năm 2018, bà con gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phát triển cây con giống.
A Thiếp cho biết, vườn sâm 50 cây của tổ hợp thôn Mô Po có 30 hộ chia thành 5 nhóm luân phiên bảo vệ, chăm sóc cây hàng tháng, dưới hình thức đổi công làm rẫy. Chẳng hạn như, đến lượt nhóm 5 hộ trực, thì mỗi nhà cử 1 người tự túc đưa lương thực thực phẩm đem sử dụng 2 - 5 ngày. Cách làm này vừa bảo vệ vườn cây chung, vừa chống trộm vừa chống sự phá hoại của các con vật, côn trùng.
“Cây sâm giống được trồng mới sẽ trưởng thành cho hoa, kết trái, sau 4-6 năm. Lúc này, nhà vườn thu hoạch 6- 8 hạt/cây, số hạt giống có thể bán đi, chia lãi cho các hộ thụ hưởng. Trường hợp các hộ muốn lấy hạt trồng thêm, mở rộng diện tích vườn sâm, Tổ hợp hộ vẫn khuyến khích. Tôi nghĩ đây là hình thức, giúp các hộ nâng giá trị cây trồng, góp phần bảo vệ được rừng, tránh được tình trạng chặt phá rừng. Thế nhưng, hiện nay, đa phần bà con đều thuộc diện nghèo, đất canh tác cũng ít, không có vốn đầu tư lâu dài. Bà con đề nghị huyện, tỉnh sớm tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, trồng cây xen canh dưới tán rừng để tạo điều kiện chăm vườn sâm lâu dài” - A Thiếp nói.
Còn ông A Túc - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh giãi bày: 200 hộ ở xã tham gia nhóm và Tổ hợp hộ trồng sâm Ngọc Linh đã được 4 - 6 năm với hy vọng làm từ loại cây này. Nhưng cái khó hiện nay, 78% số hộ nghèo trên địa bàn đều thiếu vốn và cần kỹ thuật phát triển tốt vùng sâm, rất mong được hỗ trợ kịp thời.
Trong khi đó, tháng 7/2018, HĐND huyện Đăk Glei đã phê duyệt Nghị quyết 05/NQ-HĐND, về ban hành Đề án bảo tồn và hỗ trợ phát triển cây sâm Ngọc Linh tại các xã Mường Hoong, Ngọc Linh và xã Xốp đạt 5ha đến năm 2020, định hướng đến 2030 nâng cao chuỗi giá trị bảo tồn và phát triển đạt 400ha, đảm bảo cung ứng giống sâm cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về giống, gắn với chuỗi sản xuất kinh doanh.
Căn cứ Đề án trên, UBND huyện Đăk Glei cho biết, đang chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền, vận động bà con 3 xã: Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh tham gia mô hình liên kết tổ, nhóm trồng vườn sâm Ngọc Linh; tham gia xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng phù hợp.
Ông Hoàng Trung Thông – Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei thông tin, địa phương đã và đang phối hợp với các sở, ngành tham mưu chính sách kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư liên kết, phát triển dược liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó ưu tiên hàng đầu là sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Đây là các bước đi cần thiết, quan trọng để Nghị quyết 05 của huyện Đăk Glei từng bước cụ thể hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện Đăk Glei, tiến đến cùng các địa phương khác trong tỉnh xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh theo định hướng chỉ đạo của tỉnh.
Trần Hà