Đặc sản địa phương đắt hàng trong mùa Tết
Tỉnh ta có số lượng mặt hàng đặc sản phong phú và đa dạng, được nhiều người ưa thích. Vào dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng thực phẩm đặc sản càng được bán buôn sôi động và đắt khách hơn bao giờ hết.
Vào dịp Tết, người tiêu dùng thường quan tâm đến các loại thực phẩm ngon, lạ, nguồn gốc rõ ràng, xanh và sạch. Những mặt hàng nông sản, đặc sản của các địa phương trên địa bàn tỉnh ta bảo đảm đầy đủ các yếu tố nêu trên nên được nhiều người tìm mua và trở nên đắt hàng.
Mặt hàng đầu tiên phải kể đến là rượu cần- đây là mặt hàng thuộc top đầu được người dân trong và ngoài tỉnh tìm mua vào dịp Tết. Vượt qua khuôn khổ mỗi làng, mỗi gia đình, những ghè rượu nồng nàn hương vị núi rừng là đặc sản của đồng bào các DTTS, nhất là đồng bào Ba Na ở thành phố Kon Tum đang trở thành một loại thức uống được ưa chuộng, làm “say lòng” không ít thực khách phố thị mỗi dịp “Tết đến, Xuân về”. Tết đến, nhiều người tìm mua những ghè rượu ngon được làm từ gạo, bo bo, nếp than, nếp trắng... để đãi khách và làm quà biếu.
|
Thời gian này, nhiều người dân, du khách trong và ngoài tỉnh, thương lái từ các tỉnh, thành trong cả nước như Đà Nẵng, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh... tìm đến các cơ sở bán rượu cần trong các làng như Kon Klor, Kon Rơ Wang (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) để mua rượu.
Bà Y Che (làng Kon Rơ Wang, phường Thắng Lợi)- Chủ cơ sở rượu cần Y Khuê chia sẻ: Từ trước lễ Noel, nhiều người đã bắt đầu đặt và mua rượu cần, càng gần Tết sức mua sẽ càng tăng cao. Nếu như ngày thường, mỗi ngày tôi chỉ bán được năm, bảy ghè thì vào đợt Tết, mỗi ngày tôi bán được cả chục, thậm chí vài chục ghè rượu các loại.
Không chỉ có cơ sở Y Khuê mà nhiều cơ sở bán rượu cần khác như Y Trang, Y Xuân, Y Trí... mức tiêu thụ rượu cần cũng đang tăng lên từng ngày.
Sở dĩ rượu cần Kon Tum đắt khách, bởi các chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh tự tay làm rượu cần bằng phương pháp thủ công truyền thống, nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng nên luôn giữ được hương vị nguyên vẹn, chất lượng ổn định.
Cũng nhờ rượu cần hút khách mùa Tết mà mấy năm gần đây, một số hộ gia đình đồng bào DTTS ở phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) “ăn nên làm ra”.
Một trong những loại đặc sản của tỉnh ta được tiêu thụ nhiều nhất trong dịp Tết là măng khô. Nguồn măng khô trên địa bàn tỉnh khá phong phú từ Kon Plông, Kon Rẫy, Đăk Psi (Đăk Hà)... nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm là ngon, sạch, an toàn.
Mặt hàng măng khô đang được các địa phương từng bước xây dựng thương hiệu riêng, nên ngoài thị trường trong tỉnh thì măng khô của tỉnh ta đang vươn ra thị trường cả nước. Ngày càng có nhiều thương lái từ Gia Lai, Bình Định, Phú Yên... đến tận các địa phương của tỉnh ta để thu mua măng khô và đưa đi tiêu thụ ở khắp nơi. Càng gần đến Tết, mặt hàng này càng trở nên đắt hàng. Mặc dù giá bán có cao hơn nhiều loại măng khô trên thị trường, nhưng măng khô Kon Tum vẫn được người tiêu dùng đánh giá cao và tin tưởng chọn lựa.
Chuối sấy cũng là một trong những đặc sản của Kon Tum nổi tiếng khắp cả nước. Có nhiều sản phẩm từ chuối sấy như chuối sấy khô giòn tẩm đường, chuối xắt sấy tẩm mật ong, chuối sấy tẩm mật ong và gừng… được các cơ sở chế biến sản xuất, tạo nên nguồn sản phẩm phong phú, đáp ứng sở thích của người dùng.
Chuối sấy không chỉ là món ăn được người dân Kon Tum ưa chuộng mà còn là một loại quà biếu, tặng được nhiều người lựa chọn trong dịp Tết. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người dân trong tỉnh cũng như các đơn hàng ngoại tỉnh dịp Tết Nguyên đán này, từ đầu tháng 11, các cơ sở sản xuất chuối sấy đã gia tăng về số lượng, đẩy mạnh phân phối sản phẩm...
|
Những mặt hàng đặc sản khác như sâm dây, cà phê, rượu gạo lúa đỏ, rượu vang sim Măng Đen; gà thả vườn Hà Mòn (Đăk Hà)... cũng được rất nhiều người tìm mua vào dịp Tết.
Các mặt hàng đặc sản này được ưa chuộng không chỉ vì ngon, lạ mà còn bởi chúng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng phụ gia khi chế biến. Dù giá cả cao hơn các sản phẩm cùng loại thông thường trên thị trường, nhưng với mong muốn có được những món ăn vừa ngon vừa sạch thì giá cả không còn là yếu tố quyết định các bà nội trợ khi chọn mua các mặt hàng này.
Chị Phạm Thị Nhi (tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho rằng: Ngày Tết là dịp cả gia đình sum vầy để cùng thưởng thức những món ăn ngon. Thế nên, tôi thường tìm mua các mặt hàng thực phẩm là đặc sản để chế biến như măng le Đăk Psi, gà thả vườn Hà Mòn (huyện Đăk Hà), mua sâm dây về ngâm rượu... để cả nhà quây quần vui vẻ bên mâm cơm.
Anh Đặng Văn Quảng (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Ngày thường tôi cũng vẫn mua các mặt hàng đặc sản của các nơi trong tỉnh về dùng như sâm dây hay rượu gạo đỏ, mật ong rừng; măng khô... nhưng ngày Tết thì mua nhiều hơn, vì còn làm quà biếu. Tôi quan niệm, cả năm có một cái Tết nên mua sắm cái gì cũng phải chất lượng, độc đáo, đắt rẻ không quan trọng lắm.
Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân, các hình thức mua bán các hàng hoá đặc sản vì thế cũng nở rộ. Ngoài những kênh bán hàng thông dụng như ở chợ, cửa hàng thì vài năm trở lại đây, các kênh bán hàng online, nhất là qua Zalo, Facebook được nhiều người bán lẫn người mua quan tâm.
Chị Dương Thị Nương (thôn 3, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) giãi bày: Do công việc cuối năm bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian ra chợ hay siêu thị để mua đồ. Trong khi đó, trên Facebook, Zalo bạn bè rao bán rất nhiều mặt hàng ngon, lạ, chỉ cần xem, chọn hàng là sẽ có người mang đến tận nơi, rất tiện lợi.
Những món đặc sản ngon, an toàn, độc đáo, bảo đảm chất lượng… luôn là tiêu chí hàng đầu cho mùa sum họp gia đình vào dịp Xuân về. Nhưng không phải sản phẩm nào được bày bán trên thị trường cũng đủ tiêu chuẩn, do đó, người tiêu dùng cũng nên cẩn thận khi mua hàng, đặt hàng ở những nơi uy tín để tránh bị mua nhầm, mua phải hàng kém chất lượng.
Bài và ảnh: Thiên Hương